Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Phát biểu thảo luận, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước và luật hoá những quy phạm đã được áp dụng ổn định trong các văn bản dưới luật để bổ sung vào dự thảo, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt là phục vụ cho việc xây dựng ngân hàng số.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng cho rằng, nên nghiên cứu, gia cố thêm quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, vì đây là quy định hết sức quan trọng để tạo cơ sở thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong hoạt động ngân hàng, đang rất được các tổ chức tín dụng cũng như các công ty công nghệ tài chính mong chờ.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu đề nghị xem xét điều chỉnh các nội dung liên quan tới quy định tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng tại Luật Các tổ chức tín dụng theo hướng áp dụng các quy định chung về tổ chức, quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng đã được quy định tại các luật tương ứng như: Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Chứng khoán. Luật Các tổ chức tín dụng chỉ quy định các yêu cầu đặc thù đối với các tổ chức tín dụng về các nội dung có liên quan.
Thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An bày tỏ sự đồng tình cao với đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ.
Đó là Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là nghị quyết thí điểm được ban hành trong bối cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng cao, phức tạp và tập trung trong một thời gian nhất định.
Vì vậy, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết số 42 cần được đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng, đặt trong bối cảnh các quy định pháp luật hiện nay đã được hoàn thiện rõ ràng, đầy đủ hơn.
Cần đánh giá tổng thể, khách quan bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với công tác xử lý nợ xấu, từ đó hoàn thiện các quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, tránh hành chính hoá quan hệ dân sự, kinh tế, bảo đảm hài hòa, công bằng với các chủ thể tham gia quan hệ dân sự, kinh tế trên nguyên tắc chỉ luật hóa những nội dung phù hợp trong điều kiện bình thường.
Đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng khi có yêu cầu xác định tình trạng tài sản bảo đảm để thu giữ tài sản bảo đảm.
Đồng thời, cân nhắc việc quy định xác định quyền thu giữ, thủ tục thu giữ tài sản cho phù hợp với quy định của pháp luật, tránh xung đột pháp luật dẫn đến không khả thi, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật.
Đại biểu Trần Nhật Minh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một chương hoặc một mục riêng quy định về hoạt động của các Ngân hàng chính sách trong dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trước đó, trong sáng cùng ngày, Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh Bắc Kạn, Bạc Liêu về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Phiên làm việc ngày 10/6 cũng đánh dấu hoàn thành nội dung làm việc của đợt 1. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục làm việc đợt 2 từ ngày 19/6 đến ngày 24/6.
Thành Duy - Hậu Phan