bna-z3455725652994-519a8918b537c792e62025989b066bd2-5997.jpg

Toàn cảnh phiên làm việc sáng 31/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Phát biểu thảo luận, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhận định: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trình kỳ họp lần này đã được nghiên cứu, chỉnh lý một cách công phu, kỹ lưỡng; qua đó bày tỏ cơ bản đồng tình với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Thái Thị An Chung đề cập đến một số nội dung. Theo đó, về quyền nhân thân của tác giả và người biểu diễn, tại Khoản 5, Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Khoản 4, Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền nhân thân của tác giả như sau: “Được bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.

bna-pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-tran-thanh-man-3151.jpg

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên làm việc. Ảnh: Quang Khánh

Và tại Khoản 13, Điều 1 Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Khoản 2, Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định quyền nhân thân của người biểu diễn cũng tương tự như sau: “Được bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn".

Vị đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả" tại Khoản 5 và cụm từ "gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn” tại Khoản 13 cùng được quy định tại Điều 1, để đảm bảo tính thống nhất ngay trong chính quy định này bởi vì bất kỳ một sự sửa đổi, cắt xén nào, dù ít dù nhiều cũng ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của tác phẩm hoặc hình tượng biểu diễn.

bna-z3455726004501-121a2313b1028dbde187dab974841d16-68.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Ảnh: Quang Khánh

Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, tại Khoản 9, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 1, Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định thêm trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả đó là: “Tự sao chép 1 bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép công cộng”.

Đối chiếu vào quy định trên, đại biểu Thái Thị An Chung phân tích: Một trong các yêu cầu đặt ra khi quy định về quyền tác giả đó là giải quyết xung đột giữa lợi ích của cá nhân với lợi ích công cộng. Do đó, vấn đề ngoại lệ của quyền sao chép tác phẩm cần phải quy định làm sao để cân bằng lợi ích giữa tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và cộng đồng.

Mặc dù dự thảo đưa ra các điều kiện của việc sao chép như: Mục đích của việc sao chép là để nghiên cứu khoa học, học tập và không nhằm mục đích thương mại; cách thức thực hiện sao chép là tự sao chép, không sao chép bằng thiết bị sao chép công cộng.

bna-z3455606393817-31e759b6b9f5a3e0269c73673874329a-210--n1.jpg

Đại biểu Thái Thị An Chung - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, việc cho phép sao chép 1 bản, tức là toàn bộ tác phẩm, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, nhất là đối với các tác phẩm khoa học như: sách giáo khoa, giáo trình, sách nghiên cứu, chuyên khảo… bởi vì số lượng người nghiên cứu, người học là rất lớn. Hiện nay, chỉ tính riêng người học là học sinh, sinh viên đã gần 20 triệu người.

“Quy định này sẽ khiến cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không đảm bảo được việc bù đắp các chi phí cho hoạt động sáng tạo và sẽ không khuyến khích được sự sáng tạo. Mặt khác, hiện nay cũng chưa có quy định như thế nào là “thiết bị sao chép công cộng” nên sẽ rất khó kiểm soát việc sao chép”, nữ đại biểu nói trong phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.

Do đó, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đề nghị bỏ quy định này và chỉ cho phép tự sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại.

bna-z3455726112077-66a33889314cb99ee2b1c577854bbfcf-3643.jpg

Các đại biểu tại phiên làm việc sáng 31/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đồng tình với việc không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị nghiên cứu, cân nhắc thêm các quy định hình thức xử lý vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả.

Dẫn ví dụ tại Khoản 2, Điều 214 của dự thảo Luật quy định: “Ngoài các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ”.

Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An, quy định này sẽ dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, bởi vì trong các văn bản này đã quy định rõ các trường hợp áp dụng và các hình thức xử phạt như: phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có các biện pháp như buộc tiêu huỷ đối với hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hoá; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện đối với hàng hoá nhập khẩu, quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hoá giả mạo quyền sở hữu trí tuệ sau khi đã loại bỏ các yếu tố vi phạm…

bna-z3455725902198-40624d251b8eac85c99b87b5d1f842e8-8421.jpg

Các đại biểu tại phiên làm việc sáng 31/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Quy định này cũng chưa đảm bảo tính chặt chẽ bởi vì việc đưa ra phân phối hoặc sử dụng hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện để sản xuất hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ, kể cả không nhằm mục đích thương mại, cũng cần phải đảm bảo các điều kiện về chất lượng sản phẩm theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

“Mặt khác, nếu cho phép tiếp tục phân phối và sử dụng hàng hoá giả mạo về sở hữu trí tuệ như dự thảo sẽ không đảm bảo tính nghiêm minh trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và sẽ không bảo vệ được quyền, lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, bởi việc xác định có hay không có ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ sở hữu trí tuệ là rất khó nhận được sự đồng thuận từ các bên có liên quan”, nữ đại biểu Đoàn Nghệ An nói.

Thành Duy - Phan Hậu