Toàn cảnh phiên thảo luận tổ. Ảnh: Phan Hậu |
Đại biểu Đoàn Nghệ An có ý kiến tham gia thảo luận vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An đồng tình cao với tên gọi, bố cục, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật; đồng thời nêu một số ý kiến góp ý.
Theo đó, đại biểu đề nghị cần phải chuẩn hóa khái niệm “cộng đồng dân cư”. Theo phân tích của đại biểu, không phải đến dự án thực hiện dân chủ ở cơ sở mới có khái niệm này mà trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Lâm nghiệp 2017, Luật Đất đai 2013 cũng đã có khái niệm “cộng đồng dân cư”. Tuy nhiên, trong 3 luật đã ban hành cũng như dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở lại đang khác nhau.
Về nguyên tắc thực hiện, dự thảo Luật quy định: “bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Đại biểu đề nghị cân nhắc cụm từ “các tổ chức thành viên” vì trong Luật Mặt trận, Điều lệ của Mặt trận thì các tổ chức thành viên này là tổ chức liên minh của Mặt trận; trong khi đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt”.
Như vậy, có sự khác hoàn toàn về khái niệm “các tổ chức chính trị xã hội” và “các tổ chức thành viên” nên đại biểu đề nghị điều chỉnh đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cũng như nội dung dự án Luật này cần làm rõ vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để thể hiện rõ cơ chế này.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu |
Về nội dung nhân dân giám sát, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho rằng, dự thảo Luật đề cập chưa đầy đủ. Trong đó, về đối tượng giám sát của nhân dân, mặc dù đã đề cập đến tổ chức là chính quyền địa phương cấp xã, nhưng về cá nhân chỉ nêu “cán bộ, công chức, người làm việc trong bộ máy chính quyền cấp xã”.
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An đặt câu hỏi: cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy chính quyền các cấp, ngoài cấp xã thì ai giám sát? Khi mà ngoài giờ làm việc, cán bộ, công chức về sinh hoạt nơi cư trú. Do đó, bà Võ Thị Minh Sinh đề nghị, đối với cá nhân thuộc diện nhân dân giám sát, điều chỉnh thành “cán bộ, công chức, người làm việc trong bộ máy chính quyền các cấp”.
Về nội dung giám sát, đại biểu cũng đề nghị nhân dân không chỉ được giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, người lao động mà còn giám sát việc thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư khi cán bộ, công chức, người lao động về nơi cư trú.
Cũng liên quan đến dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị có quy định để không trộn lẫn khái niệm “cơ sở” của hệ thống hành chính và “cơ sở” của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, vì theo đánh giá của đại biểu, hiện đang có cách tiếp cận không đồng bộ.
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Hậu |
Cũng theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An, trong dự án Luật cần tách bạch được vấn đề “nhân dân kiểm tra” và “nhân dân giám sát”. Ông Đặng Xuân Phương kiến giải: cách tiếp cận vấn đề này cần phải xuất phát từ gốc là quy định của Hiến pháp. Trước hết, “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước ở cơ sở bằng dân chủ trực tiếp”, có nghĩa là nhân dân được biết, được bàn, tham gia ý kiến về những vấn đề của bộ máy Nhà nước ở cơ sở. Như vậy để thực hiện quyền này, chủ thể là nhân dân chỉ có quyền giám sát, không có quyền kiểm tra công việc quản lý Nhà nước.
Khía cạnh thứ hai là “nhân dân thực hiện các quyền cơ bản khác trong việc tham gia vào đời sống kinh tế - xã hội và tự quản của cộng đồng”, như vậy nội dung nào thuộc tự quản cộng đồng thì nhân dân được kiểm tra. Cũng từ đó, đặt ra vấn đề là trong dự án Luật phải làm rõ phương thức kiểm tra, giám sát khác nhau như thế nào?
Đại biểu Đặng Xuân Phương cũng trao đổi, bày tỏ một số băn khoăn khi dự án Luật đề cập đến hình thức nhân dân tham gia ý kiến thông qua mạng xã hội Zalo, Viber, Facebook... theo quy định pháp luật. Đại biểu cho rằng, đây là vấn đề cần phải bàn một cách thận trọng, nhất là nội dung nào được lấy ý kiến, nội dung nào không thông qua các nền tảng mạng xã hội?
Đồng thời, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thể hiện rõ ràng, tường minh hơn giữa hai vấn đề thuộc phạm trù “nhân dân tham gia thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp ở cơ sở” và “việc nhân dân tham gia các công việc tự quản của cộng đồng”.
Thành Duy - Phan Hậu
Nguồn: BNA