Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An đề xuất quy định bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh
Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Quảng Ngãi. Dự phiên thảo luận có Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, ĐBQH đoàn Quảng Ngãi.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh điều hành thảo luận.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đồng tình cao với việc ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời nêu nhiều ý kiến vào các nội dung cụ thể được đề xuất trong dự thảo.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu lên những lo ngại trước tình trạng thời gian qua xảy ra khá nhiều vụ cháy liên quan đến nhà ở, đặc biệt là nhà ở kết hợp với kinh doanh.
Tuy vậy, theo nhìn nhận của vị đại biểu đoàn Nghệ An, việc luật hóa trong dự thảo lại chưa đủ mạnh để phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh khi chỉ đề xuất quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy như với nhà ở và bổ sung thêm yêu cầu “phải có giải pháp ngăn cháy giữa khu vực để ở với khu vực kinh doanh”.
Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu để xây dựng một điều riêng trong dự thảo luật quy định điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh; trong đó cần quy định rõ khu dân cư, loại nhà ở được kết hợp kinh doanh; dịch vụ nào được phép kết hợp kinh doanh trong nhà ở…
Đại biểu Thái Thị An Chung cũng đề nghị nên cân nhắc quy định “cháy tại thôn, tổ dân phố thì trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người chỉ huy chữa cháy”; vì những tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn cơ bản là người lớn tuổi, hoạt động không chuyên trách; thôn, tổ dân phố cũng không phải cấp chính quyền. Do vậy đặt trách nhiệm cho trưởng thôn, tổ dân phố sẽ không đảm bảo, chưa hợp lý.
Đối với quy định “hộ gia đình trong phạm vi khả năng, điều kiện tự trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ”, trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng nên luật hóa cụ thể để tối thiểu mỗi gia đình có một thiết bị căn bản về phòng cháy, chữa cháy; qua đó mỗi người dân và gia đình có ý thức hơn trong công tác phòng cháy.
Cũng liên quan đến dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An bày tỏ băn khoăn khi đề xuất quy định “chủ hộ gia đình có trách nhiệm: Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu trong điều kiện, khả năng cho phép, quản lý và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ”.
Theo vị đại biểu đoàn Nghệ An, nên bỏ cụm từ “khi có yêu cầu trong điều kiện, khả năng cho phép”, qua đó Luật quy định cứng để người dân phải chủ động đảm bảo điều kiện phòng cháy tối thiểu, cũng như các cơ quan chức năng có trách nhiệm hướng dẫn cho các gia đình, phối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội phát động các nội dung về phòng cháy, chữa cháy. Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu đưa vào ngay trong trường học thành một môn kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cần căn cứ Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để rà soát, đảm bảo thống nhất về nội dung, trong đó có các khái niệm liên quan.
Vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị cần phải đánh giá và đưa vào trong Luật quy định cụ thể về đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vì đây là việc hàng ngày, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi nên cần bố trí nguồn lực tương xứng; đồng thời nghiên cứu chính sách liên quan đến lực lượng tình nguyện trong trường hợp không may gặp rủi ro khi tham gia cứu nạn, cứu hộ, phòng cháy, chữa cháy.
Phát biểu nêu ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, ĐBQH đoàn Nghệ An; từ góc độ cơ quan thẩm tra, đã trao đổi thêm về phạm vi điều chỉnh, quan điểm của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật; các chính sách về xây dựng, huy động lực lượng phòng không nhân dân; quản lý tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; đảm bảo an toàn hàng không; nguồn lực thực hiện.
Trước đó, vào đầu giờ chiều, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 tại Hội trường Diên Hồng.
Thành Duy - Thu Nguyễn