Toàn cảnh phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 11/11. Ảnh: Quang Khánh
Các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
Phát biểu chất vấn, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đại biểu Quốc hội khóa XV đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta đang gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Quang Khánh.
Trong bối cảnh đó, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là “tư lệnh” ngành tổng hợp, chủ trì tham mưu cho Chính phủ về phát triển kinh tế cho biết, gói kích thích phục hồi kinh tế trong điều kiện hiện nay (nếu có) thì chính xác là khi nào và sẽ có gì giống và khác nhau so với các gói hỗ trợ đã được thực hiện trong các giai đoạn trước đây như thế nào?
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng đề nghị người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định thời điểm nền kinh tế Việt Nam có thể được xem là phục hồi sau đại dịch Covid-19?
Trả lời chất vấn của nữ đại biểu đoàn Nghệ An, liên quan đến bài học kinh nghiệm sau khi thực hiện các gói kích cầu đầu tư để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trong các năm 2008, 2009 có khác gì với gói đang xây dựng? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là câu hỏi rất hay.
“Chúng ta phải rút kinh nghiệm được gì và chưa được gì từ gói kích cầu đầu tư các năm 2008, 2009 để rút kinh nghiệm, phát huy được những cái tốt, tránh được những khiếm khuyết của chương trình lúc đó”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thời điểm đó, các gói kích cầu tập trung chủ yếu vào ba mục tiêu lớn nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu; kích cầu đầu tư, tiêu dùng và bảo đảm an sinh xã hội.
Quy mô gói kích cầu vào thời điểm đó là 122.000 tỷ đồng, tương ứng 6,9 tỷ USD; riêng năm 2009, nước ta bố trí 100,6 ngàn tỷ đồng, tương ứng 5,7 tỷ USD tức là khoảng 5,6% GDP.
Đại biểu Võ Thị Minh Sinh, đoàn Nghệ An phát biểu chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Kết quả tích cực đạt được là giúp đất nước vượt qua khủng hoảng và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các nước trên thế giới có tăng trưởng dương, năm 2008 tăng trưởng 5,7% và 2009 tăng trưởng 5,4%.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hạn chế của các gói kích cầu thực hiện vào các năm 2008, 2009 là chính sách mới chủ yếu tập trung về phía cung, chưa hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận đầu ra nên sản xuất xong không biết bán đâu.
Thời điểm đó, lãi suất huy động cao nhưng khi thực hiện chính sách hỗ trợ lại thiếu đồng bộ với các chính sách về tiền tệ và tài khóa khác nên làm giảm hiệu quả, dẫn đến trục lợi chính sách. Nguồn vốn hỗ trợ cũng không chảy vào sản xuất mà chủ yếu chảy vào chứng khoán và bất động sản.
Mặt khác cũng do kiểm soát không chặt chẽ nên ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát đã tăng cao thời kỳ này, lần lượt năm 2010 là 9,2%, năm 2011 là 18,6%.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Đầu tư dàn trải dẫn đến nợ đọng, lãng phí, đình hoãn, nhiều dự án đến năm 2011 dừng lại và cho đến nay vẫn không giải quyết được hậu quả, nhiều gói được hỗ trợ lãi suất đến nay chưa quyết toán được.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân là do thiếu đồng bộ giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách tiền tệ thiếu linh hoạt; công tác quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ; chính sách thực hiện trên nền kinh tế vĩ mô thiếu ổn định của giai đoạn trước; tăng trưởng cung tiền và tín dụng luôn ở mức cao; các chính sách hỗ trợ chưa sát thực tiễn; những rào cản, điều kiện cho vay vốn của doanh nghiệp chưa được công khai, minh bạch.
Từ những kết quả đạt được và hạn chế trên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm là cần phải có một chương trình tổng thể với một quy mô đủ lớn và đủ khả năng vay, trả, hấp thụ của nền kinh tế.
Cùng với đó phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời và phải đảm bảo ổn định; hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi, hỗ trợ cho dòng tiền và ổn định tài chính, huy động các nguồn lực quốc tế khác…; đặc biệt là phải có kiểm soát rủi ro, giám sát chặt chẽ trong thực hiện.
Về thời điểm phục hồi của nền kinh tế nước ta trong giai đoạn hiện nay, cho biết đến nay trên thực tế chưa có quan điểm thống nhất nội hàm về vấn đề này, song theo quan điểm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ nếu gọi là phục hồi tức là các hoạt động về kinh tế, doanh nghiệp, đi lại của người dân phải trở lại bình thường, tốc độ tăng trưởng GDP phải quay trở lại đà tăng trưởng như trước khi có dịch Covid-19.
Nhấn mạnh quá trình phục hồi nền kinh tế phải có thời gian, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Nếu các gói kích cầu bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2022 gắn với thực hiện tốt công tác kiểm soát hiệu quả thực hiện thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra ngay từ cuối năm 2022 và đến cuối năm 2023 sẽ có thể trở lại trạng thái bình thường như mong muốn, hy vọng.
Trước đó, vào đầu giờ chiều nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và một số thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề về giáo dục.
Thành Duy