Sáng 8/12, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến yêu cầu làm rõ những vướng mắc liên quan đến công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế; đẩy nhanh tiến độ cấp, đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí cho cán bộ giữ rừng; vấn đề về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới; chế độ chính sách cho cán bộ khối, thôn, bản...
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Thành Cường |
Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Văn Toàn (Đô Lương) - Phó ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh phản ánh: Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và xóm ở tỉnh Nghệ An, hiện nay tỉnh đã giảm xóm, khối, thôn, bản. Toàn tỉnh đã thực hiện sáp nhập 3.886 khối, xóm, bản; hình thành 1.804 khối, xóm, bản; giảm được 2.082 khối, xóm, bản; số khối, xóm, bản hiện có sau sáp nhập: 3.804 đơn vị (có 2 khối dân cư mới thành lập mới).
Hoạt động của ban cán sự xóm, khối, bản phục vụ lợi ích của người dân, góp phần triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến từng hộ dân. Lượng công việc của ban cán sự khối, xóm, bản rất lớn, từ việc nhỏ đến việc lớn đều có sự tham gia trực tiếp của cán bộ khối, xóm, bản.
Đại biểu Trần Đình Toàn - Phó ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh đề xuất thành lập quỹ hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ khối, xóm, bản. Ảnh: Thành Cường |
Vấn đề đặt ra hiện nay là sau sáp nhập diện tích khối, xóm mở rộng, dân số tăng, công việc của ban cán sự khối, xóm, bản nhiều hơn trước nhưng mức hỗ trợ không tăng. Vấn đề này liên tục được cử tri phản ánh qua các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Nghệ An là tỉnh có số lượng khối, xóm, bản lớn, nguồn lực ngân sách khó khăn nên việc tăng phụ cấp cho ban cán sự khối, xóm, bản sẽ rất khó. Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Trần Đình Toàn "hiến kế": Thí điểm áp dụng xã hội hóa việc hỗ trợ chế độ phụ cấp cho cán bộ khối, xóm, bản. Theo đó vận động thành lập quỹ từ sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp. Từ nguồn quỹ này sẽ giải quyết những khó khăn của ngân sách.
Làm rõ băn khoăn của đại biểu Trần Đình Toàn - Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Viết Hưng cho biết: Chế độ phụ cấp cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách khối, xóm, bản là nội dung được cử tri quan tâm đề xuất tại các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Giám đốc Sở Nội vụ chia sẻ những khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ khối, xóm, bản là những người gần nhất, rất nhiều công việc “không tên”, nhất là sau sáp nhập khối, xóm, bản diện tích, dân số tăng, công việc của đội ngũ cán bộ khối, xóm bản càng nhiều hơn.
Cán bộ thôn 3, xã Tường Sơn (Anh Sơn) tham gia trồng đường hoa thực hiện tiêu chí xanh - sạch - đẹp xây dựng nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Thanh Lê |
Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Việc quyết định mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, nhưng không vượt quá mức khoán quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Tại tỉnh Nghệ An, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị quyết số 23/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021, theo đó đã bố trí kinh phí hỗ trợ ở mức tối đa trên cơ sở quy định của Trung ương và cân đối nguồn ngân sách địa phương.
“Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn, mặc dù chế độ cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách khối, xóm, bản đã được tỉnh bố trí ở mức lương “tụt khung” nhưng chưa tương xứng với công việc và mức sống của người dân. Rất mong cử tri, đội ngũ cán bộ khối, xóm, bản chia sẻ, luôn nỗ lực cống hiến hoàn thành tốt công việc.
Vấn đề này đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nêu trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội XV. Hiện Bộ Nội vụ đang nghiên cứu sửa đổi Nghị định 34 để giải quyết những bất cập về chế độ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách phù hợp với thực tại” - Giám đốc Sở Nội vụ nói.
Đối với đề xuất của đại biểu, nghiên cứu thí điểm việc xã hội hóa việc hỗ trợ của người dân góp quỹ hỗ trợ cho hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở xóm, khối, bản, theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh: Đây là sáng kiến mới, chưa có tiền lệ và chưa địa phương nào trong nước thực hiện. Việc xã hội hóa nguồn thu liên quan đến các quy định về tài chính (thu chi như thế nào?, ai sẽ được, thu, chi...?).
Vấn đề này Sở Nội vụ sẽ xin ý kiến chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh và phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu để đảm bảo phù hợp, đúng luật.