Đây là chia sẻ của bà Hoàng Thị Thu Hiền - đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An, hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh với Báo Nghệ An bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV xung quanh dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Cuộc trao đổi diễn ra trong bối cảnh chiều 14/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

bna-z3491740585726-662c2dc36199013a4913a6b346886c3d-3405.jpg

Toàn cảnh phiên làm việc chiều 14/6 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

PV: Qua thảo luận tại các diễn đàn của Quốc hội cho thấy, các đại biểu, cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm đến việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Bà đánh giá như thế nào về cách tiếp cận trong dự thảo Luật lần này?

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền: Tôi cho rằng cơ quan soạn thảo đã rất công phu trong công tác chuẩn bị dự án Luật. Đặc biệt, dự thảo lần này đã đưa vào Luật khái niệm bạo lực gia đình trên cơ sở giới, cùng lồng ghép giới trong những điều khoản của văn bản Luật. Đây là điều rất quan trọng.

Bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản, sâu xa của bạo lực gia đình vốn đã phổ biến trong nhận thức của mọi người, mọi nhà qua nhiều thế hệ. Quan điểm chồng có quyền "dạy vợ", bố mẹ có quyền “roi vọt” với con cái là chuyện bình thường trong nhà mà không ai nghĩ đó là bạo lực gia đình. Hay quan niệm đàn ông làm chủ gia đình, đàn ông phải làm việc lớn, tạo nên áp lực tinh thần rất lớn đối với nam giới. Từ đó dẫn đến những hành vi bạo lực bột phát trong gia đình. Đây là rào cản lớn trong công tác phòng chống bạo lực gia đình.

bna-z3492002360298-c0025d4b538a8e98998bb58bee4a1766-188.jpg
Các đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An trao đổi với đại biểu Quốc hội các tỉnh bên lề phiên thảo luận dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: Phan Hậu

Tuy nhiên, theo tôi các quy định trong dự thảo Luật về khái niệm bạo lực gia đình trên cơ sở giới còn rất chung chung. Do đó, tôi đã có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định để nhận diện bạo lực giới một cách đầy đủ hơn trong các mối quan hệ gia đình, nhất là những biểu hiện của bạo lực tinh thần giữa vợ - chồng; giữa bố mẹ - con cái; đồng thời bổ sung các quy định xử lý hiệu quả.

Ngoài ra, cần quy định giáo dục tiền hôn nhân, giáo dục về quyền con người, giáo dục cách làm vợ, làm chồng, làm ông, làm bà, làm cha, làm mẹ, làm con; học cách ứng xử hài hoà giữa các mối quan hệ trong gia đình.

PV: Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, đa dạng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình. Bà đánh giá như thế nào về vai trò của nam giới trong các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình?

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền: Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2019, có 60,6% người gây bạo lực là nam giới. Vì vậy, việc nam giới tham gia các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình tất yếu sẽ góp phần chuyển đổi hành vi đối với những người gây bạo lực gia đình; lan tỏa những giá trị tích cực đến cộng đồng. Sự vào cuộc của nam giới góp phần quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực gia đình.

Tham khảo ở một số nước trên thế giới, chiến dịch “Ruy băng trắng” tại Canada đã thu hút trẻ em trai và nam giới tham gia ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới; họ cũng có chương trình giáo dục phòng chống bạo lực gia đình cho nam giới theo nhóm tuổi, từ khi là em bé đến tuổi già. Tại Việt Nam cũng đã tổ chức chiến dịch “Ruy băng trắng” dành cho nam giới.

bna-z3492002560749-7132899b0aea799f2ba3a7e7cc388b20-5119--n1.jpg
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền (thứ 2 từ phải vào) trao đổi với các nữ đại biểu về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: Phan Hậu

Vì thế, tôi cho rằng, trong dự thảo Luật nên có thêm quy định ưu tiên sự vào cuộc của nam giới từ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến trực tiếp tham gia các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình từ trong gia đình đến cộng đồng, nhất là sự tham gia của nam giới trong Tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình.

PV: Theo điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 của UNICEF, có tới 72,4% trẻ em phải chịu ít nhất một hình thức xử phạt bởi các thành viên trong gia đình trong một tháng trước cuộc điều tra? Con số trên nói lên điều gì, thưa bà?

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền: Không ít gia đình đang ứng xử với trẻ em không đúng cách, hoặc là quá đề cao, bao bọc trẻ; hoặc thỏa mãn trẻ một cách dễ dãi; hoặc quá khắt khe, áp đặt trẻ theo mong muốn của bố mẹ mà không tôn trọng cá tính và khả năng của trẻ; hoặc phó mặc trẻ cho ông bà, người giúp việc... Gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng trước những vụ việc trẻ em bị bạo hành dã man, bị xâm hại tình dục trong chính gia đình mình.

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em bị trầm cảm từ 8-29%, có hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần. Trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Các em dễ tổn thương và mang tổn thương sâu sắc trong suốt cuộc đời.

bna-z3492002421863-83e98b973b83a51062ea8d4bd667f117-4291.jpg
Các nữ đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An trao đổi với đại biểu Quốc hội các đoàn bên lề phiên thảo luận dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: Phan Hậu

Giáo dục bạo lực gia đình với trẻ em để chúng ta sẽ có những gia đình không bạo lực trong tương lai. Cho nên, sửa luật lần này, tôi nghĩ cần bổ sung những quy định phòng ngừa bạo lực gia đình đối với trẻ em; giáo dục bạo lực gia đình cho trẻ em theo độ tuổi.

PV: Qua tìm hiểu, được biết dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã luật hoá các hành vi để ngăn chặn bạo lực gia đình, hoặc hoà giải. Đây đều là những vấn đề đã được đặt ra,song thực tiễn lại không dễ thực hiện. Là một người làm công tác Hội phụ nữ, từng nhiều lần tiếp xúc và lắng nghe, giải quyết những vụ việc có liên quan đến bạo lực gia đình, bà nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền: Dự án Luật đã xây dựng các điều khoản về biện pháp cấm tiếp xúc để ngăn chặn hành vi bạo lực. Tôi hoàn toàn đồng tình, song cần quy định những điều kiện cụ thể để đảm bảo tính khả thi của quy định này, như quy định rõ tính chất, mức độ của vụ việc để ban hành quyết định cấm tiếp xúc. Ngoài ra, tôi cho rằng, việc cấm tiếp xúc không cần có ý kiến của người bị bạo lực, trừ những trường hợp đặc biệt nhằm tránh gây thêm tổn hại và áp lực đối với nạn nhân bị bạo lực.

Vấn đề hòa giải cũng đã được quy định trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, thực tế từ theo dõi, nắm bắt qua công tác tại Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, tôi thấy rằng, hòa giải bạo lực gia đình còn nhiều bất cập. Thường gặp trong hòa giải cộng đồng là đóng cửa bảo nhau, một điều nhịn là chín điều lành... Như vậy, nếu hoà giải không đúng cách sẽ vô tình gây bạo lực kép cho nạn nhân, làm phát sinh thêm bạo lực. Tôi cho rằng, cần có quy định người tham gia hòa giải phải được trang bị kiến thức, kỹ năng về bạo lực gia đình, về quyền con người và có sự nhạy cảm giới, chứ không đơn thuần vì trách nhiệm công việc hay tình cảm.

PV: Có một thực tế nhức nhối hiện nay là người bị bạo lực gia đình thường không tìm kiếm sự trợ giúp. Nhiều người cho rằng, nguyên nhân cốt yếu là nạn nhân bị bạo lực gia đình khó tìm được cảm giác an toàn đủ để họ giãi bày, nương tựa. Với vai trò là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, đồng thời dưới góc độ của phái nữ, bà có suy nghĩ gì về thực tế này?

Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền: Tôi cho rằng đây là thực tế đáng buồn. Qua Tờ trình số 100 ngày 28/3/2022 của Chính phủ về dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), cho thấy có đến 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục đã không tìm kiếm sự giúp đỡ. Theo tôi, một trong những nguyên nhân là vì chúng ta chưa sẵn sàng các cơ sở trợ giúp bạo lực gia đình đủ thân thiện.

bna-z3491984254061-ba8a0219e14c11dbdc21f823440bbba1-456.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao - Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình làm rõ ý kiến đại biểu về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh

Hiện nay, ngoài hệ thống địa chỉ tin cậy cộng đồng, cả nước có 3 “Ngôi nhà bình yên” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành lập. Ngôi nhà bình yên cung cấp các dịch vụ bảo vệ an toàn, tư vấn tâm lý, hỗ trợ pháp lý, chăm sóc y tế cho nạn nhân bạo lực gia đình và con của họ. Tuy nhiên, so với một số các quốc gia khác về số lượng ngôi nhà bình yên ở nước ta còn quá ít. Tại Hàn Quốc vào năm 2016 có 36 Trung tâm hoa hướng dương, ở Đan Mạch có 48 nhà tạm lánh.

Thông qua sửa đổi luật lần này, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá hoạt động của các mô hình và có những quy định cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình; nhân rộng các mô hình hiệu quả, là những địa chỉ thực sự tin cậy đối với người bị bạo lực.

Gây ra bạo lực gia đình là gây đau đớn cho người sống chung trong một mái nhà, người cùng huyết thống, người mình thương yêu, là tự làm tổn thương cho chính bản thân mình. Phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi để gia đình thực sự là nơi ta đi và mong ngóng trở về, nơi ta cho và nhận năng lượng yêu thương.

PV: Xin cảm ơn đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền về cuộc trao đổi!

Việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 Điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 Điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 Điều; bỏ 3 Điều, so với Luật hiện hành tăng 16 Điều.

Thành Duy - Phan Hậu