bna-3610-01-1852.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII chiều 6/7. Ảnh: Thành Cường

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.

Dự phiên làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh thuộc 21 tổ đại biểu và các đại biểu khách mời.

Phát biểu chất vấn Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An, đại biểu Vi Văn Quý - Tổ đại biểu huyện Quỳ Hợp bày tỏ tiếc nuối: Khi nhắc đến thương hiệu cam Vinh là niềm tự hào của người trồng cam, đặc biệt là niềm tự hào của người trồng cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bởi được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

bna-3770-01-9911.jpg
Đại biểu Vi Văn Quý -Tổ đại biểu huyện Quỳ Hợp phát biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Tuy nhiên, theo vị đại biểu đến từ huyện Quỳ Hợp, thực trạng rất đáng buồn diễn ra là người trồng cam quay lại với cây cam thông qua việc phá bỏ cây cam để chuyển sang cây trồng khác kém hiệu quả hơn.

Nguyên nhân thì nhiều, song theo vị đại biểu đơn vị bầu cử huyện Quỳ Hợp có 3 nguyên nhân chính, đó là: Công tác quy hoạch, quản lý Nhà nước về giống cây còn lỏng lẻo, dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Ông Vi Văn Quý đề nghị Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh cho biết trách nhiệm gắn liền những giải pháp của sở trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh lý giải: Cam Vinh trước đây là một thương hiệu, mang lại lợi nhuận rất cao, có thời điểm 1 ha cam đạt 1 tỷ đồng doanh thu nên phát triển nóng, không theo quy hoạch.

bna-3697-01-4565.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An Phùng Thành Vinh trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An cho biết, bây giờ vùng cam Phủ Quỳ (trong đó trọng tâm là Quỳ Hợp -P.V) dịch chuyển sang các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Yên Thành.

Nguyên nhân theo ông Phùng Thanh Vinh là toàn bộ vùng này không kiểm soát được giống đầu vào, quy trình sản xuất nên xảy ra bệnh cho cây cam sau 2 kỳ đưa vào sản xuất, kinh doanh. Việc sử dụng phân bón, các chế phẩm bảo vệ thực vật không đúng theo quy trình kỹ thuật cũng gây thoái hóa đất, do vậy, có những vườn cam mới đi vào kinh doanh phải chặt bỏ.

Sự đi xuống của vùng cam ở huyện Quỳ Hợp cũng tác động lớn đến kế hoạch phát triển cây chủ lực của Nghệ An. Ông Phùng Thanh Vinh cho biết: Trong Đề án cây có múi chủ lực, dự kiến đến năm 2025, diện tích cây cam là 6.100 ha, nhưng hiện tại còn hơn 3.000 ha, song theo ông thực chất còn khoảng hơn 1.700 ha.

bna-3654-01-8998.jpg
Các đại biểu tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Không kiểm soát tốt dẫn đến vùng cam Quỳ Hợp đi vào suy thoái, Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho rằng, đó là trách nhiệm của ngành Nông nghiệp, cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương khi quản lý quy hoạch không tốt, rà soát quy trình kỹ thuật không đủ.

Về giải pháp, người đứng đầu ngành Nông nghiệp Nghệ An cho biết, sở đã trình UBND tỉnh ban hành chương trình phục hồi phát triển cam Vinh; theo đó, sẽ thực hiện một cách bài bản, đánh giá lại quy hoạch còn bao nhiêu diện tích có khả năng áp dụng yêu cầu kỹ thuật và chất đất đảm bảo trồng cam để tiến hành phục hồi như trồng các cây họ đậu, trồng dưa.

Diện tích cam còn lại tiếp tục thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học để chăm sóc thật tốt và tiếp tục nhân rộng, kết nối thị trường để giữ được thương hiệu cam Vinh.

Thành Duy