Nhìn vào kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, cử tri và Nhân dân đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc tích cực, tiến hành 18.113 cuộc kiểm tra tại 156.708 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, đã tiến hành 15.177 cuộc kiểm tra việc thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 865 vụ việc vi phạm, 1.374 người vi phạm, kiến nghị thu hồi và bồi thường trên 972 tỷ đồng. Trong nửa đầu nhiệm kỳ, các cấp, ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác với 111.430 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; đã xử lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử.
Không thể phủ nhận những nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua. Nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quyết liệt triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Qua đó đã góp phần thay đổi, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành đối với công tác này, đồng thời tạo sự răn đe, cảnh báo, cảnh tỉnh chung cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, dự thảo báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho thấy, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, trăn trở vì tình trạng tham nhũng, tiêu cực vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngày một tinh vi hơn, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tài chính, ngân hàng, đất đai, thậm chí xảy ra ngay ở một số cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.
Thực tế, dù ghi nhận những kết quả quan trọng trong công tác này, nhưng thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023, Ủy ban Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đăng kiểm, đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá, trái phiếu, rửa tiền, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
Điều đáng nói, đó là “tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục kiên trì, không dừng, không nghỉ, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng” - Ủy ban Tư pháp lưu ý.
Hậu quả của hành vi tham nhũng, tiêu cực để lại rất lớn, không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước, làm ảnh hưởng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh, kéo lùi sự phát triển, mà sâu xa hơn, làm ảnh hưởng tới niềm tin của người dân vào công tác cán bộ.
Phòng, chống tham nhũng đòi hỏi kiên trì, bền bỉ và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị. Muốn vậy, phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác cán bộ bằng biện pháp tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ. Cùng với đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm chặt chẽ, không có kẽ hở để các đối tượng trục lợi. Thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức, bổ sung quy định về xử lý tài sản không giải trình hợp lý. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và xử lý nghiêm minh các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Và, có một điều quan trọng là phải phát huy vai trò giám sát của xã hội, trong đó có vai trò của người dân trong phát hiện và mạnh dạn tố cáo tham nhũng.
Lê Hùng