
Sáng 23/5, tại xã Thanh Thịnh (huyện Thanh Chương), các đại biểu HĐND tỉnh: Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh và Trần Thị Thanh Huyền - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương) đã có cuộc tiếp xúc cử tri các xã Ngọc Lâm, Thanh Hương, Thanh Đồng, Thanh Phong, Đại Đồng và thị trấn Dùng, cùng một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri có đồng chí Nguyễn Hải Dương - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Chương; lãnh đạo các đơn vị chuyên môn cấp huyện.

Có 8 cử tri đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung
Mở đầu hội nghị, đại biểu HĐND tỉnh Trần Thị Thanh Huyền – Phó Bí thư Đảng uỷ xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương) báo cáo trước cử tri về dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cụ thể, tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ xem xét 27 báo cáo kinh tế - xã hội và xem xét, thông qua 17 nghị quyết thuộc thẩm quyền.
Đại biểu Trần Thị Thanh Huyền cũng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri Thanh Chương trước, trong và sau kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 - kỳ họp năm 2025.

Với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, nhiều cử tri đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, đề xuất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền tỉnh.
Cử tri Lê Ngọc Kiên (xã Thanh Thịnh) phản ánh: Dự án du lịch Đảo chè - Cầu Cau đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và được doanh nghiệp tổ chức đo đạc, kiểm đếm, nhưng nhiều năm chưa được triển khai, vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, vừa ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của người dân khi không dám đầu tư trồng trọt hay làm du lịch cộng đồng, vì không biết dự án khi nào triển khai. Đề nghị tỉnh thống nhất phương án xử lý cụ thể đối với dự án này để trả lời cho cử tri và Nhân dân.

Vấn đề được một số cử tri đề cập liên quan đến chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy; trong đó cử tri Nguyễn Văn Quân (xã Thanh Thịnh) đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết sớm chế độ cho cán bộ, công chức tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi ở giai đoạn sáp nhập xã giai đoạn 2023 – 2025 và những người sẽ tiếp tục nghỉ từ ngày 01/7/2025 tới đây khi cấp huyện chính thức dừng hoạt động và sáp nhập xã.

Cử tri Nguyễn Anh Tuấn (thị trấn Dùng) phản ánh: Hiện nay, việc sáp nhập xã và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp làm dôi dư lớn về cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, đề nghị tỉnh có chủ trương chuyển những cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn và nguyện vọng chuyển sang ngành Giáo dục; đồng thời thẩm định chặt chẽ về bằng cấp chuyên môn, năng lực, phẩm chất đạo đức và các yếu tố chặt chẽ. Song song với đó, cần duy trì cổng dịch vụ công trực tuyến cấp huyện để khai thác các văn bản đã ban hành và kịp thời cấp tài khoản mới, đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn của chính quyền và người dân không bị gián đoạn.
Cử tri Nguyễn Văn Tiến (xã Thanh Hương) phản ánh, trên địa bàn xã hiện có 53 hộ dân có nguồn gốc sử dụng đất từ lâm trường trước đây chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đề nghị tỉnh quan tâm tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Một số cử tri cũng đặt ra vấn đề băn khoăn, lo lắng đối với những công trình, dự án đầu tư dang dở và dự án cấp bách sẽ xử lý như thế nào khi bỏ cấp huyện và sáp nhập xã. Việc hoàn trả hạ tầng lưới điện nông thôn cho người dân 16 năm chưa được thực hiện và chất lượng điện sinh hoạt yếu; thực hiện chế độ Huân, Huy chương gia đình; về dạy thêm, học thêm; chính sách cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã…, cũng được cử tri phản ánh, đề xuất tỉnh quan tâm.
Giải trình, làm rõ nhiều vấn đề cử tri kiến nghị
Trên cơ sở ý kiến, phản ánh của cử tri, tại hội nghị, lãnh đạo các phòng, ngành chuyên môn huyện Thanh Chương đã tiếp thu và giải trình một số vấn đề thuộc thẩm quyền.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cảm ơn những phản ánh, đề xuất, kiến nghị trên tinh thần trách nhiệm và xây dựng của cử tri; đồng thời tiếp thu và giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh.

Bởi vậy, nhiệm vụ quan trọng cần tập trung hiện nay của các địa phương là hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, song song với đó là giải quyết các vấn đề đặt ra liên quan đến sắp xếp, bố trí và giải quyết cán bộ, công chức dôi dư; chế độ, chính sách cho người nghỉ hưu trước tuổi; về sắp xếp tài sản công; giải quyết các dự án đầu tư dang dở, cấp bách...

Liên quan đến các công trình cấp bách, phục vụ đời sống dân sinh trên địa bàn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định, hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030 để trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định trong thời gian tới; với trách nhiệm của cơ quan HĐND tỉnh quá trình xem xét sẽ đề xuất UBND tỉnh đưa vào danh mục ưu tiên một số công trình cấp bách trên địa bàn huyện.
Giải trình kiến nghị cử tri về hoàn trả đầu tư hạ tầng lưới điện nông thôn và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân; đồng chí Nguyễn Nam Đình nêu rõ quan điểm phải xem xét trên yếu tố điều kiện đảm bảo; khi đủ điều kiện thì chính quyền địa phương phải bám sát các cơ quan chức năng để đôn đốc giải quyết. Về phía HĐND tỉnh sẽ có trách nhiệm trao đổi với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Điện lực Nghệ An quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giải quyết.