Với uy tín của một nhân sỹ yêu nước, Cụ Nguyễn Văn Tố đã trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I tỉnh Nam Định. Tại Kỳ họp thứ nhất, Cụ được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Tuy thời gian giữ chức Trưởng Ban Thường trực Quốc hội của Cụ chỉ kéo dài 8 tháng (từ 02/3 đến 09/11/1946), nhưng đó là quãng thời gian gay cấn nhất của cách mạng. Với cương vị đứng đầu Quốc hội, Cụ đã cùng với Ban Thường trực Quốc hội tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều phương sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và đời sống Nhân dân.

 
Cụ Nguyễn Văn Tố – Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của Việt Nam (Ảnh tư liệu)
 

Cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp kiến thiết đất nước sau khi cách mạng tháng Tám 1945 thành công

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời (02/9/1946), Cụ Nguyễn Văn Tố đã làm tròn trọng trách của mình, góp phần giúp cho quốc gia dân tộc vượt qua thời kỳ khủng hoảng trầm trọng về lương thực khiến cho dân chúng bị thiếu đói triền miên. Trên cương vị Bộ trưởng, Cụ Tố đã cùng Chính phủ thông qua một bản Kế hoạch rõ ràng về việc cứu tế, đồng thời tổ chức một cuộc vận động quyên góp gạo để hỗ trợ cho người dân nghèo, được gọi là “tuần lễ vàng”. Ngay trong ngày đầu tiên (11/10/1945) đã có 5 tấn gạo được Nhân dân quyên góp cho Chính phủ để cứu tế. Bên cạnh việc kêu gọi ủng hộ từ quần chúng Nhân dân, Cụ cũng xác định để ổn định cuộc sống lâu dài, cần vận động quần chúng Nhân dân tăng gia sản xuất và sử dụng gạo tiết kiệm. Cùng với không khí phấn khởi chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, phong trào “tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa” trở thành một hành động cách mạng thiết thực của quần chúng Nhân dân để tiến tới tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: Hàng đầu, từ trái sang phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: tư liệu

Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên đã bầu được 333 đại biểu, Cụ Nguyễn Văn Tố trở thành đại biểu Quốc hội do cử tri Nam Định bầu. Thắng lợi của Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

Sau thắng lợi của Tổng tuyển cử, tình hình nước ta tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên cả hai miền Nam – Bắc, khi thù trong, giặc ngoài vẫn tìm cách chống phá quyết liệt. Đặc biệt ở miền Bắc, các phần tử phản động trong Việt Quốc, Việt Cách đòi giải tán Chính phủ Liên hiệp lâm thời vừa mới thành lập ngày 01/01/1946 và phải thành lập ngay Chính phủ Liên hiệp quốc gia chính thức dù chưa triệu tập được Quốc hội. Đòi hỏi này của Việt Quốc, Việt Cách nhằm mục đích phủ nhận quyền Quốc hội, quyền dân chủ của Nhân dân, gây sức ép với Chính phủ về việc phân chia các ghế trong Chính phủ nhằm có lợi cho họ.

Chính phủ một mặt vẫn kiên trì đấu tranh, khéo léo thuyết phục, kêu gọi Việt Quốc, Việt Cách phải tôn trọng quyền dân chủ của Nhân dân đã tham gia Tổng tuyển cử, mặt khác tích cực xúc tiến mọi công việc chuẩn bị để khai mạc Kỳ họp Quốc hội khóa I. Ngày 02/3/1946, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội với sự có mặt của gần 300 đại biểu. Trong vòng 4 giờ, Quốc hội đã hoàn thành những nhiệm vụ cơ bản như thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến và một số cơ quan quan trọng khác của Quốc hội và Nhà nước như: Ban Thường trực Quốc hội, Cố vấn đoàn, Kháng chiến ủy viên hội và Ban Dự thảo Hiến pháp. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định bầu Ban Thường trực gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết, do Cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban.

Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước

Trên cương vị là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực nhanh chóng bắt tay vào củng cố Nhà nước, xây dựng nền dân chủ, thống nhất dân tộc, sẵn sàng kháng chiến trong toàn quốc. Để thống nhất lực lượng của dân tộc, vấn đề là phải tập trung quyền lực vào một cơ quan điều hành quốc gia mạnh mẽ. Quốc hội đã công nhận và trao quyền bính cho Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chính phủ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Quốc hội và quốc dân đồng bào. Bên cạnh Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội có quyền hạn góp ý với Chính phủ, phê bình Chính phủ nếu làm trái lợi ích của Quốc gia và dân tộc. Trong tình thế đặc biệt của nước nhà, nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại quan trọng vẫn phải được thống nhất và giải quyết nhanh chóng nên trong nhiều phiên họp thường kỳ hoặc đặc biệt của Hội đồng Chính phủ đều có sự tham dự và góp ý của Cụ Nguyễn Văn Tố với tư cách Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố (ngoài cùng bên trái) được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội. Ảnh: tuyengiao.vn

Trong phiên họp đầu tiên ngày 04/3/1946, với sự góp ý của Thường trực Quốc hội, Chính phủ đã quyết định một số chủ trương đối nội và đối ngoại thể hiện chính sách đoàn kết dân tộc, xây dựng mặt trận quốc gia liên hiệp và thống nhất để chống xâm lăng, giữ vững chính quyền, kiến thiết đất nước và thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện với các nước trên thế giới.

Ban Thường trực Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Tố luôn chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và Nhân dân cùng Chính phủ trong việc thi hành những phương sách thích hợp để giữ gìn đời sống của Nhân dân, tham gia vào công cuộc kiến thiết.

Trong thời kỳ Cụ Nguyễn Văn Tố giữ cương vị Trưởng Ban Thường trực, Quốc hội đã thảo luận và thông qua nhiều nghị quyết về nội trị, ngoại giao, về việc thành lập Chính phủ mới, về quyền quan thế, về việc phát hành giấy bạc Việt Nam…

Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I, trên cương vị là Trưởng ban Thường trực Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố đã cùng các đại biểu biểu quyết tán thành danh sách Chính phủ mới, thảo luận và thông qua dự án Luật Lao động. Đặc biệt ngày 09/11/1946, với sự cố gắng và nỗ lực của các đại biểu Quốc hội và Nhân dân cả nước, sự tham gia của Ban Thường trực Quốc hội, tại Kỳ họp này Quốc hội đã thông qua được bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà với sự nhất trí gần như tuyệt đối với 240 phiếu thuận trên tổng số 242 đại biểu có mặt trong phiên họp này. Bản Hiến pháp đã góp phần tuyên bố với thế giới rằng nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do, phụ nữ Việt nam đã được đứng ngang hàng với nam giới để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp.

Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố với hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Sáng 06/3/1946, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố tham dự cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh – Chủ tịch Chính phủ chủ trì. Sau khi nghe ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng bàn bạc và nhất trí sẽ kí Hiệp định Sơ bộ với Pháp theo các điều kiện đã được thỏa thuận. Đây là một quyết sách lớn, vì vậy tất cả các vị có mặt đã cùng ký vào một biên bản đặc biệt và Chính phủ sẽ yêu cầu các vị vắng mặt ký sau. Tờ biên bản đặc biệt đó trở thành nghị quyết do toàn thể Hội đồng, Ủy ban kháng chiến và Ban Thường trực Quốc hội do Cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu cộng đồng phụ trách trước quốc dân.

Ký Hiệp định Sơ bộ là bước “hòa để tiến” để thực hiện độc lập, tự do. Sau khi Hiệp định được ký kết, Ban Thường trực Quốc hội hiệu triệu quốc dân đồng bào phải chuẩn bị mọi mặt, đoàn kết, bình tĩnh, tránh khiêu khích và tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. Tiếp đó, Quốc hội và Chính phủ đã xúc tiến thêm các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ với Trung Hoa và Pháp.

Ngày 16/4/1946, thể theo đề nghị của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã cử một phái đoàn của Quốc hội gồm 11 đại biểu do Phó Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm Pháp từ ngày 25/4 đến 16/5/1946. Trong những ngày ở bên Pháp, phái đoàn đã hết sức hoạt động trong hầu hết các chính giới để làm cho số đông chính khách Pháp và nhất là dân chúng Pháp thiện cảm với ta và hiểu rõ chính nghĩa của cuộc tranh thủ độc lập. Phái đoàn đã thu được nhiều kết quả khả quan và dân chúng Pháp đều ước mong cho hai dân tộc Việt – Pháp chóng đi tới sự thỏa thuận.

Trong thời gian này, ở trong nước, nhất là Nam bộ và Nam Trung bộ, thực dân Pháp thường xuyên có những thái độ khiêu khích, phản bội hiệp định Sơ bộ (6/3/1946). Ban Thường trực Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Cụ Nguyễn Văn Tố luôn góp sức cùng Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước. Ban Thường trực Quốc hội đã lên tiếng tố cáo những hành vi trái tín nghĩa của Pháp trước dư luận thế giới và hô hào quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ để sẵn sàng đối phó. Sau chuyến công tác của phái đoàn Quốc hội sang Pháp, tới cuộc đàm phán Việt – Pháp ở Fontainebleau, Tạm ước 14/9/1946 đã được ký chính thức, tiếp tục duy trì mối quan hệ hòa hữu với thực dân Pháp, tạo điều kiện cho quân và dân ta chuẩn bị về mọi mặt: sức người, sức của và lực lượng để chuẩn bị cho một cuộc kháng chiến trường kỳ.

Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố điều hành các hoạt động tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I

Sau hơn 8 tháng kể từ Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội, để tiếp tục phát triển thành quả của cách mạng và đối phó với những âm mưu, thủ đoạn mới của kẻ thù, theo yêu cầu của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã triệu tập Quốc hội họp Kỳ thứ hai tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 28/10 đến ngày 09/11/1946. Cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đọc diễn văn khai mạc khẳng định những kết quả đạt được của Chính phủ và Quốc hội trong 8 tháng đã qua và nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của quốc dân đồng bào lúc này là ra công xây dựng nước nhà để thực hiện nền độc lập cho Tổ quốc”; rằng “nước ta với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào, sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang và hạnh phúc”. “Với sự hy sinh của đồng bào Nam bộ, với sự quyết tâm của toàn thể quốc dân Việt Nam, nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, Trung Nam Bắc một khối như xưa” và khẳng định: “Ban Thường trực Quốc hội lúc nào cũng chú trọng đến quyền lợi của quốc gia và Nhân dân, đã giúp Chính phủ trong việc thực hành những phương sách thích hợp để giữ gìn đời sống cho dân chúng”. Trong thời điểm khó khăn ấy, Cụ vẫn có một niềm tin sắt đá: “Chúng ta tin chắc rằng nước ta, với sự đồng tâm nhất trí của toàn thể đồng bào sẽ giành được độc lập và đi tới vinh quang, hạnh phúc”.

Tại Kỳ họp này, trong phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội Việt Nam, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi chất vấn Ban Thường trực và Chính phủ về các vấn đề thuộc lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, nội trị… Cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội và các Bộ trưởng đã trả lời các câu hỏi của các đại biểu. Đặc biệt, câu hỏi của đại biểu Lê Trọng Nghĩa chất vấn Ban Thường trực Quốc hội: “Tại sao lại đem vấn đề thay đổi cờ ra thảo luận trong khi ở Kỳ họp thứ nhất đã quyết định tạm giữ lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ cho đến khi có quyết định của Quốc hội kỳ họp thứ hai?” Cụ Nguyễn Văn Tố đã trả lời dứt khoát: “Tuy Quốc hội khóa trước đã quyết nghị thế, nhưng Chính phủ sau đó có đề nghị với Ban Thường trực thay đổi một vài chi tiết trong lá cờ như thêm một vành xanh ngoài ngôi sao vàng. Ban Thường trực nhận được đề nghị của Chính phủ tất nhiên phải thảo luận. Và kết quả là giữ nguyên lá cờ đỏ sao vàng. Ban Thường trực Quốc hội báo cáo lại việc đó chứ không phải đặt vấn đề thay đổi lá cờ mà là để tỏ ra rằng Thường trực đã làm tròn nhiệm vụ Quốc hội khóa họp thứ nhất giao”.

Cùng ngày, tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I, trước tình hình đất nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, Quốc hội đã bầu Ban Thường trực gồm 18 vị do Cụ Bùi Bằng Đoàn giữ chức Trưởng Ban. Ngày 09/11/1946 cũng là ngày đánh dấu mốc Cụ Nguyễn Văn Tố hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Như vậy, trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội với thời gian hơn 8 tháng (02/3/1946 – 09/11/1946), Cụ Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp to lớn với cách mạng Việt Nam. Hoạt động của Quốc hội trong thời gian Cụ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng dân tộc và Nhân dân cả nước, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì nước, vì dân.

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ (19/12/1946), Cụ Nguyễn Văn Tố cùng các thành viên của Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục lãnh đạo toàn dân kháng chiến. Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp tiến hành một cuộc tập kích bằng không quân đổ bộ xuống thị xã Bắc Cạn, Cụ không may sa vào tay giặc và anh dũng hi sinh.

Trong cuốn Hồi ký: “Chiến đấu trong vòng vây”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “…bọn lính dù bắt được một cụ già trông chững chạc, nói tiếng Pháp, yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là Cụ Nguyễn Văn Tố, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, một nhân sĩ yêu nước tâm huyết và uy tín”.

Cụ Nguyễn Văn Tố là Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, để lại những nung nấu, ước muốn cống hiến cho dân, cho nước, cho cách mạng; nhiều công trình nghiên cứu lịch sử của Cụ cũng bị dang dở. Gương hy sinh của Cụ Nguyễn Văn Tố để lại tiếc thương vô hạn cho đồng chí, đồng bào. Cụ Vũ Đình Hoè, một cộng sự đắc lực của Cụ Nguyễn Văn Tố thời hoạt động ở Hội Truyền bá Quốc ngữ cũng như sau này cùng tham gia Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh chia sẻ tình cảm với vị Huynh trưởng quá cố: “Rừng Việt Bắc - đất Tổ bạt ngàn/ Hồn sĩ phu - nòi Hùng muôn thuở! Liệt sĩ Nguyễn Văn Tố/ Nhân, Trí, Dũng - Một bậc hiền”.

Trong bài truy điệu Cụ Nguyễn Văn Tố tại Việt Bắc năm 1948, Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng đã dành những lời lẽ trân trọng, thống thiết: “Cụ dù hy sinh, tinh thần Cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt/ Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương nhớ...”.

Đối với lịch sử Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố là người giữ trọng trách Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên, trong giai đoạn đầu thành lập Quốc hội, đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam sau này. Các thế hệ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị mà Cụ đã để lại trong công cuộc tiếp tục cải tiến, đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày nay./.