Công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất của các nông, lâm trường và tổng đội thanh niên xung phong còn nhiều hạn chế
Sáng 7/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ tọa kỳ họp.
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; các đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu khách mời.
Thực trạng đáng quan tâm
Báo cáo trước HĐND tỉnh về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và tổng đội thanh niên xung phong, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho biết, Nghệ An là tỉnh có nhiều nông, lâm trường quốc doanh và tổng đội thanh niên xung phong.
Đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh và tổng đội thanh niên xung phong chủ yếu là đất nông, lâm nghiệp, có diện tích khá lớn; trải qua nhiều thời kỳ biến động về tổ chức theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, hiện tại quỹ đất này do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng, tổng đội thanh niên xung phong, UBND cấp xã và hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 11 công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng theo phương án sử dụng đất được duyệt là 64.386,61 ha. Tổng diện tích đất UBND tỉnh thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao cho địa phương quản lý là 12,794.36 ha. Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các công ty nông, lâm nghiệp với diện tích 26.070,9 ha, đạt 40,5% tổng diện tích.
Đối với phần diện tích giữ lại theo phương án sử dụng đất được duyệt, các công ty nông, lâm nghiệp trực tiếp sử dụng một phần để sản xuất kinh doanh, phần còn lại giao khoán cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Mô hình sản xuất thực tế của công ty nông, lâm nghiệp không có sự vượt trội so với người dân trên cùng địa bàn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 10 ban quản lý rừng phòng hộ, 1 ban quản lý rừng đặc dụng, 2 khu bảo tồn thiên nhiên và 1 vườn quốc gia. Các đơn vị này được giao quản lý, sử dụng khoảng 703.316,00 ha đất. Thời gian qua, việc quản lý sử dụng đất của các đơn vị này về cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Hiện tỉnh còn 4 tổng đội thanh niên xung phong đang hoạt động và hiện quản lý, sử dụng khoảng 22.970,69 ha đất. Đất của các tổng đội quản lý, sử dụng chủ yếu được giao kết hợp trong quyết định thành lập, không có quyết định giao đất cụ thể theo pháp luật đất đai qua các thời kỳ, chưa được cắm mốc ranh giới.
Đánh giá về công tác quản lý, hiệu quả sử dụng đất, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hoàng Quốc Việt cho rằng, đến nay một số công ty nông nghiệp chưa hoàn thành việc sắp xếp; tiến độ lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.
Chồng lấn trong sử dụng đất
Việc sử dụng đất khi giao khoán đất sản xuất giữa công ty nông, lâm nghiệp với người dân tại một số nơi chưa chặt chẽ, chưa đúng với phương án sử dụng đất được duyệt, tự ý chuyển đổi cây trồng, mô hình sản xuất; vẫn còn tình trạng người dân xây dựng trái phép các công trình kiên cố trên đất sản xuất nông, lâm nghiệp.
Đặc biệt, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích tại các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vẫn còn diễn ra ở một số đơn vị nhưng chưa được xử lý dứt điểm, làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.
Việc giao nhận khoán đất nông, lâm nghiệp, bảo vệ rừng tại một số đơn vị ban quản lý rừng, tổng đội thanh niên xung phong,... đang còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo quy định, chưa phát huy hết hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các nội dung của Đề án theo Quyết định số 32/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các ban quản lý rừng, tổng đội thanh niên xung phong,... nhìn chung còn chậm theo kế hoạch được phê duyệt.
Tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận của UBND cấp huyện cho nhân dân sử dụng đối với quỹ đất nông, lâm nghiệp mà UBND tỉnh đã thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn nhìn chung còn chậm, kết quả chưa cao…
Phân tích rõ nguyên nhân
Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên, ông Hoàng Quốc Việt cho rằng, nguyên nhân chủ quan do các công ty nông, lâm nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác nhau, phải đồng thời thực hiện nhiều thủ tục, hồ sơ pháp lý, dẫn đến mất nhiều thời gian lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất.
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổng đội thanh niên xung phong theo các quyết định thành lập rất lớn nhưng hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ, không có hồ sơ giao đất theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ, chưa được xác định ranh giới, mốc giới trên thực địa,... gây rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp, nhất là khi xảy ra tranh chấp, lấn chiếm...
Về nguyên nhân chủ quan, theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, một số công ty nông, lâm nghiệp chậm thay đổi tư duy về mô hình sản xuất, kinh doanh, chưa chú trọng đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; quá trình rà soát đất đai để bóc tách, trả về địa phương làm chưa triệt để.
Một số công ty nông, lâm nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc hoàn thiện thủ tục pháp lý về đất đai; việc kiểm tra các hộ nhận khoán đất chưa chặt chẽ, thậm chí có nơi buông lỏng nên tình trạng để cho người nhận khoán tổ chức xây dựng nhà ở, các công trình kiên cố, sử dụng đất sai mục đích,...
Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các đơn vị sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường chưa thực hiện thường xuyên nên việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đang còn hạn chế. Một số đơn vị cấp huyện chưa thực sự được quan tâm đúng mức cả về nhân lực, vật lực để tổ chức lập phương án sử dụng đất, giao đất, cấp giấy chứng nhận cho người dân đối với quỹ đất thu hồi của các công ty nông, lâm nghiệp.
Ngân sách nhà nước bố trí hàng năm để thực hiện việc cắm mốc ranh giới, đo đạc bản đồ địa chính, giao đất, cấp giấy chứng nhận đối với quỹ đất do các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổng đội thanh niên xung phong, ... còn nhiều hạn chế, chưa kịp thời.
Phạm Bằng