Không tổ chức cấp huyện để gần dân hơn

Với góc nhìn của một công chức từ cơ sở, anh Lê Doãn T. ở xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa cho rằng việc thực hiện Kết luận 127 của Bộ Chính trị về bỏ cấp trung gian - cấp huyện và sáp nhập một số đơn vị cấp xã không đơn thuần là thay đổi cơ cấu mà là sự kết hợp hài hòa giữa chức năng của huyện và xã trong mô hình mới.

a58i5523-6985.jpg?width=0&s=LmfRKVv1uuKJSN1vpxqvdg
Không tổ chức cấp huyện, sắp xếp lại cấp xã nhằm xây dựng chính quyền gần dân, sát dân hơn. Ảnh minh họa: Thạch Thảo

Mục tiêu không phải biến xã thành “huyện thu nhỏ” mà là xây dựng một cấp chính quyền gần dân, sát dân hơn, nơi các nguồn lực được tập trung điều hành hiệu quả, chính sách được triển khai nhanh chóng, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm. Đây là cách để địa phương tận dụng không gian phát triển rộng mở, tạo tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển bền vững.

Khi sáp nhập đơn vị hành chính, một số cán bộ cấp huyện và có thể có cả cán bộ từ tỉnh sẽ về xã. Trong giải quyết thủ tục hành chính, các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện cơ bản chuyển về cấp xã. Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn

Để đạt được điều này, theo anh T., cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là cắt giảm thủ tục rườm rà cần được chú trọng, đặc biệt trong bối cảnh xã mới có dân số đông, diện tích lớn và nhiệm vụ nặng nề hơn. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa hồ sơ và giải quyết thủ tục trực tuyến.

“Căn cước công dân là giấy tờ đã được số hóa. Tuy nhiên khi đi xin việc, vay vốn ngân hàng ở nhiều nơi người dân vẫn phải photo công chứng, đã bỏ hộ khẩu nhưng người dân cần làm gì vẫn phải xin giấy xác nhận cư trú...”, độc giả này nêu thực tế.

Để chính quyền gần dân hơn, anh T. cho rằng, đội ngũ cán bộ cũng cần đáp ứng yêu cầu mới về năng lực công nghệ. Mỗi cán bộ cần làm chủ công nghệ, ứng dụng số trong công việc và hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ qua phong trào “Bình dân học vụ số”.

Điều này không chỉ xây dựng chính quyền điện tử mà còn hình thành cộng đồng công dân số, góp phần hiện thực hóa mục tiêu quốc gia số.

Cần có phương án căn cơ, toàn diện sắp xếp nhân sự

Cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn. Các thủ tục hành chính trước đây thực hiện ở cấp huyện thì sắp tới sẽ do cấp xã tiến hành. Cấp xã sẽ được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà

Việc sắp xếp nhân sự ai đi, ai ở trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy cũng là một vấn đề được quan tâm.

Cũng với góc nhìn từ cơ sở, theo độc giả Lê Chí Vỹ, quá trình này cần được thực hiện thận trọng, công bằng, không chỉ giới hạn ở cán bộ công chức mà còn mở rộng tới cả cán bộ bán chuyên trách. Cơ chế không nên trở thành rào cản, mà cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tế và thu hút nhân tài.

Theo đó, cần có phương án toàn diện để bố trí trí công việc cho cán bộ sau tinh giản, bao gồm: Đánh giá năng lực và nguyện vọng cá nhân, xác định nhu cầu nhân lực thực tế của các cơ quan, điều chuyển nội bộ, đào tạo bồi dưỡng, và thậm chí hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nếu cần.

Đối với cán bộ, công chức, ưu tiên lựa chọn những người trẻ, có bằng cấp phù hợp, am hiểu công nghệ thông tin và có thành tích nổi bật từ thời đại học (như việc được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên) là một hướng đi hợp lý. Với cán bộ bán chuyên trách, cần xem xét bằng cấp, đóng góp thực tế, độ tuổi và khả năng phát triển để tuyển chọn hoặc bồi dưỡng thêm.

Đồng tình với ý kiến trên, độc giả Trần Văn Thắng cũng cho rằng, cần nhìn nhận rằng thế hệ trẻ năng động và nhanh nhạy, hiệu quả hơn thế hệ “mấp mé” tuổi về hưu.

Tuy nhiên, cũng cần chú trọng xây dựng cơ chế quản lý, xử lý sai phạm minh bạch và công bằng, không bao che hay “chừa đường cho sai phạm tồn tại”, thông qua phân cấp, phân quyền rõ ràng kèm chế tài rõ ràng.

Dưới góc nhìn của một công chức cấp huyện đã làm việc được 24 năm, anh Nguyễn Chí Cường đưa ra 4 tiêu chí để chọn cán bộ, công chức "đi hay ở" khi sáp nhập.

Tiêu chí thứ nhất là giữ lại những người đã tham gia thi đậu công chức do cấp tỉnh tổ chức (Sở Nội vụ).

Tiêu chí thứ hai là chọn những người học đại học chính quy. Bởi họ đã qua thi tuyển đại học, là những người giỏi sẵn, có kiến thức và có tư duy sáng tạo khi tiếp cận công việc.

Tiêu chí thứ ba là chọn những cán bộ có đạo đức, gương mẫu, tiên phong đi đầu trong công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiêu chí thứ tư là chọn những người hiếu học, đã học thêm lên cao học, học chính quy ngành nào thì cao học ngành đó.

"Tôi nghĩ sàng lọc thứ tự theo 4 tiêu chí này sẽ giữ lại người tài giỏi để phục vụ nhân dân", anh Cường đúc kết.

Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây, cán bộ, công chức cấp xã được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương; được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.

Trong thời hạn 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.