Đây là kiến nghị của các đại biểu tham dự Hội thảo “Quốc hội Việt Nam - 80 năm đổi mới và phát triển về tổ chức, phương thức hoạt động” do Ban Công tác đại biểu và Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp tổ chức.
Quốc hội đồng hành cùng dân tộc, cùng Nhân dân
Gần 80 năm qua, mỗi đạo luật, mỗi nghị quyết, quyết định quan trọng của Quốc hội Việt Nam đều gắn liền với vận mệnh của quốc gia, dân tộc đều vì lợi ích của Nhân dân, kết tinh sâu sắc “ý Đảng, lòng Dân”, thể hiện sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, niềm tin và sự ủng hộ của Nhân dân. Khẳng định điều này, nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, PGS.TS. Lê Minh Thông nêu rõ, trong mọi giai đoạn của cách mạng, Quốc hội luôn đồng hành cùng dân tộc, cùng Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào việc đạt được các thành tựu có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.
Điểm lại những thành quả nổi bật trong đổi mới về tổ chức của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến nêu rõ, theo quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội 2014 và các văn bản pháp luật khác, tổ chức của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã được kiện toàn hơn. Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong các lĩnh vực được quy định cụ thể hơn nhằm tạo thuận lợi cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các hoạt động. Đặc biệt, ngày càng chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội - trung tâm của tổ chức và hoạt động của Quốc hội.
Phương thức hoạt động lập pháp cũng được đổi mới cơ bản, số đạo luật được Quốc hội xen xét, thông qua ngày càng nhiều hơn, có chất lượng và tính khả thi cao. Việc thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước được Quốc hội dành nhiều thời gian thảo luận, phân tích, đưa ra những quyết sách đúng đắn, ngày càng thực chất, bảo đảm lợi ích quốc gia và phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, tạo ra những tác động tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm UB Đặng Đình Luyến, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới, nội dung giám sát mang tính thiết thực, bao trùm. Cách thức tổ chức, tiến hành các kỳ họp của Quốc hội được đổi mới, phù hợp với diễn biến của thực tiễn. Đặc biệt, trong những năm 2020-2022 gần đây, Quốc hội còn đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 khi tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp họp trực tuyến với tập trung. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động của Quốc hội được đẩy mạnh. Lần đầu tiên phần mềm hỗ trợ hoạt động của đại biểu Quốc hội trên các thiết bị điện tử thông minh được đưa vào sử dụng với nhiều tính năng thiết thực, hiệu quả.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ta đã khẳng định: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN…”. Dẫn ra định hướng này, nhiều ý kiến mong rằng, Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động để luôn xứng đáng với vị thế là một Quốc hội “đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của Nhân dân”.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội
Để tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, bảo đảm phát huy vị trí, vai trò của Quốc hội thật sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần coi trọng tính chuyên nghiệp, chuyên môn hóa sâu hơn trong hoạt động lập pháp, bảo đảm tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án Luật ngay từ những công đoạn đầu tiên. Đồng thời, chú trọng việc phân tích, quyết định các chính sách trong dự án Luật trước khi tiến hành các bước tiếp theo của quy trình lập pháp. Trong quá trình thẩm tra phải tăng cường tính phản biện và đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự thảo luật, pháp lệnh.
Cùng với đó, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới mạnh mẽ phương thức giám sát, khắc phục tình trạng giám sát dàn trải, thiếu chiều sâu; tập trung giám sát những vấn đề bức xúc nổi lên của đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần dành nhiều thời gian hơn cho hoạt động giám sát; đổi mới quy trình giám sát tại các cơ quan, địa phương, nhất là tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật.
Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của việc nâng cao chất lượng của các đại biểu Quốc hội - trung tâm của mọi hoạt động của Quốc hội. Theo Phó Viện trưởng Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS. Tào Thị Quyên, đề cao trách nhiệm, bảo đảm chất lượng của đại biểu Quốc hội, xác định rõ và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật là yêu cầu tiên quyết giúp hoạt động của Quốc hội hiệu quả, thực chất và có chiều sâu hơn. Dẫn lời của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - “điều quan trọng nhất là mỗi đại biểu Quốc hội đều ý thức sâu sắc mình là người được Nhân dân ủy nhiệm tham gia quyết định những việc trọng đại của đất nước; mọi việc mình làm đều phải thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của Nhân dân. Phải phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu cao quý là đại biểu Nhân dân, vì Nhân dân mà hết lòng phục vụ”, PGS.TS. Tào Thị Quyên lưu ý, mỗi đại biểu Quốc hội phải gần dân hơn nữa, bám sát thực tế để phản ánh đúng và kịp thời hơn nữa ý chí, nguyện vọng của người dân trong các dự án Luật và các quyết sách quan trọng của quốc gia.
Các đại biểu Quốc hội là nhân tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Nhấn mạnh điều này, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến đề nghị, cần giới thiệu được những người thực sự có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục tăng thêm số đại biểu hoạt động chuyên trách.
Phân tích vấn đề từ góc nhìn bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, cần nâng cao năng lực, kinh nghiệm của đội ngũ này, cụ thể là về công tác cung cấp thông tin. Bởi, thông tin chính là nguồn “năng lượng” quan trọng đối với hoạt động của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội. Điều này đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số nhằm xây dựng một Quốc hội số, “Quốc hội thông minh”.
Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến tham luận, phát biểu của các đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, các chuyên gia và nhà khoa học tại hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định, kết quả của hội thảo sẽ là nguồn thông tin khoa học, dữ liệu quý báu phục vụ quá trình nghiên cứu, triển khai và hoàn thiện Đề tài cấp Bộ đặc biệt “Quốc hội Việt Nam - 80 năm xây dựng, đổi mới và phát triển”.