Băn khoăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Làm rõ thêm nội dung chất vấn “Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, gắn với sản xuất tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu và biến động thị trường. Thực trạng, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới”. Một số đại biểu đã nêu câu hỏi với Giám đốc Sở Công Thương về vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu cho nông sản, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.

bna-3610-01-1852--n1.jpg
Quang cảnh phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Đại biểu Hồ Thị Thuỳ Trang (đơn vị TX. Hoàng Mai) nêu câu hỏi: Việc đăng ký bảo hộ cho thương hiệu nông sản của thị xã Hoàng Mai nói riêng, Nghệ An nói chung chưa được đăng ký, trong khi nhận thức, kiến thức của bà con về vấn đề này còn hạn chế nhất định, do đó, nguy cơ mất thương hiệu rất lớn; hướng xử lý trong thời gian tới như thế nào?

Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (thành phố Vinh) nêu câu hỏi: Theo báo cáo, hiện nay, một số sản phẩm OCOP đã được thực hiện nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn, trong đó có Lotte Vinh. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế vẫn chưa thấy sản phẩm OCOP của tỉnh trong các kệ hàng của Lotte Vinh. Mặt khác, du khách tới Nghệ An muốn mua các sản phẩm của địa phương về làm quà cũng rất khó khăn, ngay cả người địa phương cũng gặp khó khăn về vấn đề này (trong báo cáo cũng nêu vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm OCOP). Trách nhiệm của cơ quan chủ quản trong vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới?

bna-3729-01-7819.jpg
Đại biểu Hồ Thị Thuỳ Trang (đơn vị TX. Hoàng Mai) nêu câu hỏi băn khoăn về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ảnh: Thành Cường

“Đề nghị ông Giám đốc Sở Công Thương báo cáo thêm về hiệu quả của Trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tổng thu trong 1 năm của gian hàng là bao nhiêu, có bao nhiều nông sản bán tại đây? Có ý kiến cho rằng, công tác quản lý về sản phẩm OCOP nông nghiệp trên địa bàn còn hạn chế (sản phẩm không đảm bảo, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trôi nổi trên thị trường) đã làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, sức cạnh tranh của các sản phẩm có trên thị trường. Đề nghị ông cho biết thực trạng vấn đề này; tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới? Đại biểu đặt câu hỏi.

Làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm, Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa khẳng định: Chưa có giai đoạn nào việc phát triển thị trường nông sản được Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp quan tâm như hiện nay. Gần đây, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các quyết định, chương trình, đề án, trong đó có Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030".

Cùng đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2021 – 2025; Chính phủ ban hành Quyết định 174 về phê duyệt đề án thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

bna-3741-01-1632.jpg
Đại biểu Trần Thị Khánh Linh (thành phố Vinh) nêu câu hỏi về việc trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP. Ảnh: Thành Cường

Tại Nghệ An, tỉnh đã ban hành kế hoạch cụ thể các Quyết định của Chính phủ. Sở Công Thương cũng đã lồng ghép nội dung này trong kế hoạch xuất khẩu của tỉnh ban hành theo Quyết định 481; Quyết định 400 của UBND tỉnh về ưu tiên đưa sản phẩm tiêu biểu của Nghệ An lên sàn thương mại điện tử. Để hỗ trợ sản phẩm OCOP của Nghệ An lên sàn thương mại điện tử, Sở Công Thương đã ban hành Quyết định 138.

Cùng đó, ngành Công Thương đã phối hợp tham mưu xây dựng, ban hành, thực hiện một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy tiêu thụ nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP như Nghị quyết 25, Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh năm 2021; Nghị quyết 32 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương mại, chính sách khuyến công.

Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện rất tốt các chương trình hỗ trợ thương mại. Giai đoạn vừa qua, ngoài Trung tâm Xúc tiến đầu tư hỗ trợ thương mại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Ngoại vụ, MTTQ, Hội Nông dân, … rất nhiều sở, ban, ngành tham gia hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại và rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu đã được tổ chức trong và ngoài tỉnh.

bna-3745-02-260.jpg
Giám đốc Sở Công Thương Phạm Văn Hóa làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm. Ảnh: Thành Cường

Đồng thời, tỉnh đã phát triển 17 điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, hệ thống khu trưng bày, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh (trong đó, có 4 điểm được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước, 13 điểm do chủ thể tự đầu tư). Tuy vậy, việc quảng bá, giới thiệu và lan tỏa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng chưa thật sự hiệu quả.

Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử, hiện nay đã hỗ trợ 21 huyện, thành, thị có gian hàng trên sàn thương mại điện tử.

Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh thời gian qua tích cực, tiến bộ và hiệu quả. “Trong thời điểm dịch Covid-19 tỉnh đã duy trì và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm rất tốt. Sản phẩm nông sản đã tham gia khá nhanh vào thị trường xuất khẩu. Trong giai đoạn 2020- 2022, bình quân sản phẩm nông sản Nghệ An xuất khẩu tăng 5 -10%. Một số sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng lớn, phát triển thị trường cả nước, nhiều doanh nghiệp, HTX, các chủ thể đã tham gia vào chuỗi cung ứng. Điều này cho thấy sự sự đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường”.

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công Thương cũng cho rằng, bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế: Sản phẩm nông sản nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng phần lớn tham gia vào thị trường còn hạn chế kể cả quy mô, sản lượng; phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, nhất là yêu cầu của hệ thống bán lẻ có uy tín và phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại trong và ngoài tỉnh. Nông sản chưa tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng lớn, nguyên nhân chính là do chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tham gia vào thị trường xuất khẩu còn khiêm tốn.

Ông Hóa cho rằng, do 3 nguyên nhân chính đó là: Trình độ sản xuất, trình độ kinh tế thị trường còn hạn chế; việc kết nối thị trường còn khó khăn; cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh.

bna-3604-01-4568.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Để đưa sản phẩm OCOP của người dân trên địa bàn tỉnh ra với thị trường cả nước, Giám đốc Sở Công Thương đề xuất 7 nhóm giải pháp.

Theo đó, cần phải nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Tiếp tục thúc đẩy phát triển liên kết vùng, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ, nhà phân phối, nhà sản xuất, các hợp tác xã.

Cùng đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, đề án khuyến nông, khuyến công… để hỗ trợ người dân ứng dụng quy trình, máy móc trang thiết bị, quy trình, nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm… để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng thị hiếu, yêu cầu của người tiêu dùng.

Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá hình ảnh sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết nối tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; khuyến khích ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, nền tảng điện tử, mạng xã hội... để quảng bá, tiêu thị sản phẩm.

Theo ông Phạm Văn Hóa, sản phẩm OCOP chưa phải là thương hiệu – đây chỉ là cơ sở, tiền đề để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vấn đề quan trọng nhất là đánh giá của thị trường, có những sản phẩm không "sao” nhưng vẫn được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ rất tốt. Điều đó cho thấy, vấn đề quan trọng là xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu của sản phẩm nông sản.

Thanh Lê