Xu hướng tất yếu

Những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp đã dần quan tâm và chú trọng đến phát triển bền vững. Theo đó, từ năm 2016, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã hoàn thiện Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI). Qua 6 năm triển khai, đã có hàng trăm doanh nghiệp được chứng nhận, trong đó nhiều doanh nghiệp liên tiếp trong Top 100, Top 10 phát triển bền vững.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết, từ năm 2018, VITAS đã đồng hành với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới trong Dự án Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam. Dự án tập trung vào cải thiện quản lý nước và năng lượng. “Trước yêu cầu ngày càng cao của các nhãn hàng, những người mua tiến bộ trên thế giới, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng không còn lựa chọn nào khác là phải sản xuất xanh, sạch và đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững”, bà Mai nhìn nhận.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức đối với doanh nghiệp trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Trước hết, nhận thức của nhiều doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu thống nhất. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, trong đó nhiều doanh nghiệp vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh không cao, trình độ phát triển khoa học công nghệ (nhất là nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ) còn thấp. Mặt khác, do nguồn lực tài chính có hạn, “cái khó bó cái khôn” khiến nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay…

Trong bối cảnh đó, việc Chính phủ vừa ban hành Quyết định 167 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Điều này góp phần cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, cũng như cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26) rằng Việt Nam sẽ nỗ lực đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

122.jpg
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội đầu tư dự án xanh. Ảnh: Minh Châu

Cần sớm triển khai

Nhìn vào những mục tiêu của Quyết định số 167, kỳ vọng trên không phải không có cơ sở. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững; hỗ trợ phát triển tối thiểu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững; qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm…

Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ sẽ phát triển hệ sinh thái hỗ trợ kinh doanh bền vững thông qua nâng cao nhận thức của xã hội; xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn hỗ trợ; khuyến khích các tổ chức tài chính, tín dụng phát triển các sản phẩm, dịch vụ liên quan… Về phía doanh nghiệp, khi được đánh giá và công nhận là kinh doanh bền vững sẽ được hỗ trợ tư vấn, đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững; hỗ trợ công nghệ bao gồm tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư… Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được ngân sách hỗ trợ theo định mức cao nhất quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh trên 90% doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập kiến nghị, các bộ ngành liên quan cần triển khai ngay Quyết định 167, qua đó tạo thêm động lực để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững. Bởi lẽ, nguồn lực của các doanh nghiệp có hạn nên khó đầu tư công nghệ, nhất là công nghệ liên quan xử lý môi trường. Hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức tín dụng sẽ giúp tháo gỡ bài toán này.

Đây cũng là mong muốn của Phó Tổng thư ký VITAS Nguyễn Thị Tuyết Mai. “Hôm qua, tôi trao đổi với một doanh nghiệp tư nhân trong ngành và được biết họ đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải; cho phép tái sử dụng nước 70% với kinh phí lên đến 2 triệu USD - dự án này rất hiệu quả nhưng phải đầu tư một số vốn không hề nhỏ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bây giờ, Chính phủ có Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân sản xuất và kinh doanh bền vững sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội, mạnh dạn đầu tư cho những dự án xanh”, bà Mai chia sẻ.

Minh Châu