Tương ứng với mỗi giai đoạn, bộ tiêu chí được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước và đặc thù từng địa phương, trong đó, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã được đề cập ở nhiều nội dung trong bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Mặc dù nhiều nội dung về chuyển đổi trong xây dựng nông thôn mới đã được đề cập đến trong bộ tiêu chí nông thôn mới, nhưng một Chương trình mang tính chất tổng thể, nhất quán các nội dung thì mới chỉ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Chương trình này sẽ được triển khai đồng bộ với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Theo quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quan điểm về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn bao gồm: (1) Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, phải phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 03 trụ cột: Phát triển chính quyền số ở nông thôn, Phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn và Phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn; (2) Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để từng bước hình thành nông thôn mới thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, trên cơ sở kế thừa, tiếp tục phát triển, hoàn thiện kết quả các chương trình, dự án về công nghệ thông tin, chuyển đổi số do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; (3) Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; (4) Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân nông thôn.

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, gồm: (1) Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; (2) Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn; (3) Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; (4) Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030.

Bốn nhóm nhiệm vụ triển khai Chương trình bao gồm: (1) Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; (2) Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; (3) Thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; (4) Tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới.

Các nhóm giải pháp thực hiện Chương trình gồm: (1) Đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số; (2) Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; (3) Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; (4) Triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; (5) Huy động nguồn lực triển khai Chương trình.

Để triển khai thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 12/10/2022, Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã có Quyết định số 06/QĐ-BCĐTW-VPĐP ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.

Điểm qua các nhóm vấn đề nêu trên có thể thấy, có ba nhóm trọng tâm về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới tương ứng với ba trụ cột của Chuyển đổi số bao gồm: Phát triển Chính quyền số, Phát triển Kinh tế số và Phát triển Xã hội số. Ba trụ cột này cũng là ba nhóm mục tiêu thực hiện trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 13/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đối với phát triển chính quyền số nông thôn, đến thời điểm hiện nay, tỉnh Nghệ An đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng, tiệm cận các nội dung trong Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như: Hệ thống dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh) đã được triển khai liên thông từ cấp xã đến Trung ương, đã cung cấp các dịch vụ công cấp độ 3-4; 100% các xã hiện nay đã được phủ sóng internet 4G, có cáp quang đến xã; trên 85% dân số có điện thoại sử dụng điện thoại thông minh; trụ sở ủy ban nhân dân xã, Nhà văn hóa, Trạm Y tế tại các xã đều được phủ sóng wifi phục vụ nhân dân (đây cũng là nội dung bắt buộc đối với xây dựng nông thôn mới nâng cao); cơ sở vật chất, hạ tầng số tại ủy ban nhân dân xã từng bước được đầu tư nâng cấp bảo đảm đồng bộ, an toàn. Ngoài ra, nhiều phần mềm dùng chung cũng đã được triển khai đồng bộ liên thông từ tỉnh đến xã như: Phần mềm quản lý văn bản và điều hành liên thống 4 cấp VNPT-Ioffice, Mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II, Phần mềm Chữ ký số; nhiều xã xây dựng nông thôn mới đã có Cổng/Trang thông tin điện tử; Nhiều xã đã đưa vào vận hành đài truyền thanh dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông với nhiều ưu điểm nổi trội so với các hệ thống truyền thanh truyền thống FM/hữu tuyến.

chuyen-doi-so-2-2023-02-23-14-29.jpg

Ông Vương Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu nêu quan điểm: “Chuyển đổi số là một xu thế tất yếu. Trong đó, cần lấy doanh nghiệp, người dân là trung tâm của chuyển đổi số

Một số phần mềm, nền tảng khác đã và đang được Trung ương xây dựng bảo đảm tập trung, đồng bộ, liên thông đến cấp xã phục vụ cho quản lý chương trình nông thôn mới như: đang triển khai thí điểm phần mềm quản lý, phân hạng và chấm điểm các sản phẩm OCOP,…có kế hoạch xây dựng Phần mềm phục vụ công tác quản lý, hoạt động đánh giá, thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới,…

Về kinh tế số nông thôn, đã những điểm sáng ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số tại các hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp,… Các sản phẩm OCOP, Vietgap của Nghệ An đang từng bước được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn của Vnpost, voso.vn của ViettelPost và sàn 37nghean.com của tỉnh Nghệ An. Để hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 589/KH-UBND năm 2021 về đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; Kế hoạch số 536/KH-UBND năm 2022 truyền thông đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Các kế hoạch này hiện đang được tỉnh triển khai theo lộ trình, tiến độ trong kế hoạch. Riêng sàn postmart.vn hiện đã hỗ trợ đưa lên sàn 55 sản phẩm, voso.vn là khoảng 40 sản phẩm. 100% các sản phẩm OCOP được quảng bá, giới thiệu trên sàn thương mại điện tử cũng là một nội dung bắt buộc trong Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh ở khu vực nông thôn, nhất là thanh toán qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, mobile money (Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đến ngày 15/9/2022, số liệu thuê bao mobile money đạt 11% tổng số thuê bao trên toàn tỉnh, khoảng 300.000 thuê bao, tập trung phần lớn ở khu vực nông thôn). Các trường học, trạm y tế xã hiện nay cũng đang tích cực triển khai dịch vụ thu học phí, thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt.

chuyen-doi-so-1-2023-02-23-14-28.jpg

Nhiều ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng đem lại tiện ích cho người bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu

Đối với xã hội số, các hoạt động ứng dụng công nghệ số cũng đã hiện diện ở mọi mặt của đời sống nông thôn như: tỷ lệ người sử dụng điện thoại thông minh tăng nhanh, ở khu vực nông thôn (tính chung) đạt trên 80%, đạt mục tiêu so với Quyết định 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số đạt trên 70% (thông qua hệ thống các tài liệu được đăng tải, chuyển tải qua các nền tảng số như zalo, trang thông tin điện tử xã, tích hợp trong đường Link, trong mã QR dán tại nhà văn hóa thôn/xóm. Một số lĩnh vực triển khai khá hiệu quả phát triển xã hội số ở nông thôn như y tế, giáo dục, lao động, thương binh và xã hội, thông tin và truyền thông.

Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cũng bao gồm việc xây dựng xã, thôn thông minh theo quy định của Bộ Tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (đối với nông thôn mới kiểu mẫu). Mặc dù chưa có mô hình mẫu đối với xã, thôn thông minh, tuy nhiên, về mặt định hướng xây dựng, tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện mô hình xã, thôn thông minh.

chuyen-doi-so-3-2023-02-23-14-29.jpg

Nông dân xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu đầu tư cải tạo ao đầm để nuôi tôm trong nhà lưới. Bước đầu những cơ sở đầu tư mới đều đã ứng dụng thiết bị cảm biến để đo nhiệt độ trong hồ

Ngoài ra, hiện nay, tỉnh Nghệ An đang triển khai thực hiện Đề tài khoa học thí điểm xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã tại 3 xã Thành Sơn huyện Anh Sơn, Minh Hợp huyện Quỳ Hợp, Khánh Hợp huyện Nghi Lộc với ba nội dung chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đề tài đã được nghiệm thu cấp cơ sở ngày 12/12/2022, dự kiến tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh trong tháng 12/2022 nhằm đánh giá, lựa chọn các mô hình hiệu quả để nhân rộng.

Mặc dù chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả ban đầu, chuyển đổi số đã hiện diện ở mọi mặt trong đời sống người dân nông thôn, tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn đang trong giai đoạn đầu và cần một lộ trình phù hợp. Trong quá trình tổ chức thực hiện cũng bộc lộ những hạn chế, tồn tại như: (1) Nhận thức về Chương trình chuyển đổi số nói chung và trong xây dựng nông thôn mới ở các cấp địa phương là không đồng đều, kể cả người đứng đầu đơn vị. Kỹ năng số và bảo đảm an toàn thông tin đối với người dân khu vực nông thôn khi sử dụng các nền tảng số còn hạn chế; (2) Hạ tầng số khu vực nông thôn, nhất là các huyện miền núi vẫn còn yếu, sóng 4G, cáp quang đến thôn ở nhiều xã chưa đạt chất lượng theo tiêu chuẩn; cơ sở vật chất cho ứng dụng công nghệ thông tin tại xã thiếu đồng bộ (mạng LAN manh mún, máy tính cấu hình thấp, đường truyền internet chất lượng chưa bảo đảm) ảnh hưởng đến xây dựng chính quyền số nông thôn; (3) Phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy kinh tế số, hạ tầng số còn khó khăn, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, nhưng cũng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ; (4) An toàn thông tin vẫn là vấn đề nan giải, dễ gây ra nhiều hệ lụy khi sử dụng các phần mềm không có nguồn gốc; mất an toàn dữ liệu, tài khoản; thông tin cá nhân; (5) Nguồn lực dành cho chuyển đổi số là rất lớn, trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế. Do đó, nhiều nội dung được thực hiện lồng ghép, vận dụng, thiếu tính đồng bộ trong triển khai, ảnh hưởng đến tính bền vững trong thực hiện chương trình.

Để triển khai đồng bộ Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đang xây dựng Kế hoạch thực hiện, trong đó bám sát các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện trong Quyết định số 924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phù và phù hợp với Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến 2030; Kế hoạch số 586/QĐ-UBND ngày 22/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025.

Việc triển khai các giải pháp theo KH của UBND tỉnh về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, kết hợp với việc triển khai đồng bộ các nội dung, tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 hứa hẹn sẽ tạo nên diện mạo mới cho khu vực nông thôn, rút ngắn khoảng cách số so với khu vực thành thị./.

Th.S Hoàng Đình Ngọc