Sáng 24/9, UBND tỉnh tổ chức phiên họp trực tuyến thường kỳ tháng 9 để nghe và cho ý kiến vào các nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Tham dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng
DỊCH COVID-19 CƠ BẢN ĐƯỢC KIỂM SOÁT
Sau khi nghe ý kiến các địa phương, các ngành, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kết luận phiên họp trực tuyến đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, quý III năm 2021 diễn ra trong điều kiện vô cùng khó khăn. Khó khăn lớn nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, 21/21 địa phương đều có dịch, có những địa bàn dịch rất nặng nề.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của các địa phương, của các ngành thì cho đến thời điểm này, dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Toàn tỉnh đã trở về trạng thái bình thường mới theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khó khăn của quý III nhưng vẫn duy trì được mức khá. Tốc độ tăng trưởng 9 tháng theo dự ước của Tổng Cục thống kê là khoảng 6,03%, đặc biệt là ngành nông nghiệp và công nghiệp. Trong khó khăn nhưng thu ngân sách đến thời điểm này đạt được rất tốt, là điểm sáng. Thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực, số doanh nghiệp hoạt động trở lại cao. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, trật tự an toàn xã hội đều được đảm bảo.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận phiên họp trực tuyến. Ảnh: Phạm Bằng
PHÒNG CHỐNG DỊCH VẪN PHẢI ĐƯỢC ƯU TIÊN
Với tinh thần phát huy những kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, khó khăn, về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các địa phương quan tâm thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.
Trước hết, theo Chủ tịch UBND tỉnh, các cấp, các ngành vẫn phải ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với quan điểm: Không thỏa mãn, chủ quan, lơ là. Các ngành, địa phương phải bám sát nội dung kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh vào ngày 17/9, các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh để tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần nghiêm túc, chặt chẽ, làm thật để giữ vững thành quả, trong đó phải bám sát tình hình từng địa phương, địa bàn, nhất là cấp cơ sở.
Mỗi địa phương phải có giải pháp phù hợp với tình hình bằng việc quản lý chặt chẽ địa bàn, kiểm soát chặt chẽ phương tiện, người đi đến, lưu ý đến các hoạt động tập trung đông người tại những khu vực công cộng. Cùng đó, phải triển khai sớm, nhanh nhất công tác tiêm chủng vắc-xin theo tiến độ phân bổ như quan điểm của Thủ tướng Chính phủ: Vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được tiêm sớm nhất.
Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến 21 điểm cầu tại 21 huyện, thành, thị. Ảnh: Phạm Bằng
Từng địa phương phải chủ động các biện pháp tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với trạng thái bình thường mới, theo nguyên tắc sản xuất nhưng phải đảm bảo an toàn, không tạo ra ách tắc cho doanh nghiệp, xử lý tình huống hợp lý.
Các cấp, các ngành, các tổ công tác của tỉnh rà soát lại chỉ tiêu, nhiệm vụ theo ngành, lĩnh vực, địa bàn để tập trung chỉ đạo, thực hiện trong 3 tháng cuối năm 2021. Đánh giá ảnh hưởng, tác động của dịch Covid-19 đến các chỉ tiêu, mục tiêu, đặc biệt là kịch bản tăng trưởng. Đặc biệt, phải đánh giá sự ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đây mới là yếu tố thực chất. Từ đó, đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm phấn đấu mức cao nhất để đạt các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành tham mưu cho tỉnh triển khai sớm Nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch; tổ chức tốt hoạt động sản xuất nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động tiêu thụ nông sản.
Các địa phương chủ động theo dõi, ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với tình hình thiên tai, triển khai các công tác phòng chống thiên tai với tinh thần chủ động, áp dụng phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, đảm bảo an toàn hồ đập, các điểm có nguy cơ sạt lở; đề xuất, kiến nghị tỉnh có hướng hỗ trợ xử lý cho các địa phương. Quan tâm chỉ đạo các xã đã đăng ký về đích nông thôn mới.
Các thành viên UBND tỉnh tham dự phiên họp. Ảnh: Phạm Bằng
Bên cạnh đó, ngành Công Thương rà soát, đánh giá hoạt động sản xuất công nghiệp, thúc đẩy tiến độ các dự án sản xuất công nghiệp có thể tăng được năng lực sản xuất. Thường xuyên theo dõi cung cầu, giá cả hàng hóa thiết yếu để đáp ứng các tình huống; phối hợp các địa phương kiểm tra điều kiện hoạt động các chợ, trung tâm thương mại trong điều kiện phòng, chống dịch; đảm bảo kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân.
Ngành Du lịch quan tâm phương án phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới; chủ động kết nối triển khai Hội thảo du lịch năm 2021 dự kiến tổ chức tại Nghệ An vào tháng 12. Ban quản lý KKT Đông Nam hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp trong KKT, KCN; tập trung GPMB tại các dự án lớn; đẩy nhanh tiến độ thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư 2 KCN Thọ Lộc và Hoàng Mai 2; Thủ tục đầu tư cho các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án mới.
PHẤN ĐẤU ĐẠT MỨC CAO NHẤT CHỈ TIÊU, MỤC TIÊU ĐỀ RA
Các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động giải quyết các vấn đề khó khăn để giải ngân theo cam kết; rà soát, đánh giá khả năng giải ngân đối với từng dự án thuộc thẩm quyền; báo cáo để điều chuyển vốn giữa các ngành và các địa phương đối với các dự án không có khả năng giải ngân. Đây là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của năm 2021 và cơ sở để phân bổ vốn trong năm 2022. Ngành GTVT đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm và công tác GPMB dự án đường cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển.
Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai sớm giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách Trung ương; chuẩn bị trình HĐND tỉnh phê duyệt kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương. Ban Dân tộc tỉnh chủ động triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngành Tài chính quan tâm điều hành công tác thu chi Nhà nước hiệu quả; xem xét rà soát các nguồn thu để đảm bảo cơ cấu thu hợp lý; kiểm soát chi, tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, đảm bảo kinh phí cho công tác phòng, chống dịch.
Đại dịch Covid-19 tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (ảnh: Sản xuất tại Công ty May Vinatex Hoàng Mai). Ảnh minh họa: Lâm Tùng
Ngành LĐ-TB&XH phối hợp các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện chính sách cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, tổng hợp, phân loại lao động theo từng ngành, nghề để kết nối với các doanh nghiệp, dự án có nhu cầu sử dụng lao động, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định địa bàn. Ngành GD&ĐT đảm bảo tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.
Người đứng đầu UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành, địa phương chủ động chuẩn bị nội dung được phân công xây dựng dự thảo các Nghị quyết, báo cáo để trình HĐND tỉnh xem xét, không để tình trạng chậm trễ, xin lùi. Hoàn thành xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Kế hoạch đầu tư công năm 2022; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm trình để phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030.
Đặc biệt, các ngành, địa phương phải quan tâm rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt là tăng cường ứng dụng CNTT, cập nhật cơ sở dữ liệu để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, thời gian còn lại của năm 2021 không nhiều, trong khi khối lượng công việc rất lớn, chỉ tiêu nhiệm vụ cao. Vì thế, UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành tiếp tục nỗ lực, quyết tâm, tập trung cao độ để thực hiện, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. UBND tỉnh mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của HĐND tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp để thực hiện, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021./.
Phạm Bằng
(Nguồn: BNA)