Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung thăm một số mô hình kinh tế tại huyện Hưng Nguyên
Tham gia cùng đoàn có lãnh đạo các sở, ngành: Văn phòng UBND tỉnh, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hoá và Thể thao, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đến thăm xã Hưng Tân, 1 trong 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh.
Hưng Tân là xã vùng giữa của huyện Hưng Nguyên, có diện tích tự nhiên 482 ha, dân số 4.250 người. Đây là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, là đơn vị đầu tiên của huyện Hưng Nguyên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Là xã thuần nông, Hưng Tân đã biết phát huy lợi thế sẵn có, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa bằng việc xây dựng nên những cánh đồng mẫu lớn với thương hiệu gạo thơm Hưng Tân nổi tiếng.
Các sản phẩm nông nghiệp được chế biến thành các sản phẩm làng nghề truyền thống như: Bánh cà, cốm, rượu nếp... được thị trường tin dùng. Đặc biệt, sản phẩm OCOP bánh cà quê Hưng Tân góp phần tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động đem về thu nhập ổn định.
Từ những nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, xã Hưng Tân trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Năm 2014, Hưng Tân là xã đầu tiên của huyện Hưng Nguyên đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2019 được công nhận xã nông thôn mới đẹp nhất tỉnh Nghệ An. Năm 2021, xã Hưng Tân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Hưng Tân là điểm nhấn trong bức tranh đời sống văn hóa của tỉnh. Toàn xã có 4/4 làng và 3 cơ quan, đơn vị được công nhận danh hiệu văn hóa. Làng Phan - xã Hưng Tân là làng duy nhất ở huyện Hưng Nguyên được công nhận làng văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh. Đây cũng là địa phương đi đầu trong việc chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là Dân ca ví, giặm.
Xã Hưng Tân còn được biết đến với phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc hiệu quả. Nhiều mô hình về an ninh, trật tự được xây dựng thành công, góp phần xây dựng một Hưng Tân yên bình, không có tội phạm, không có tệ nạn xã hội. Xã Hưng Tân vinh dự được Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an về thăm và chỉ đạo nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn quốc.
Sau khi tham quan, nghe lãnh đạo xã báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung bày tỏ ấn tượng tốt đẹp khi đến xã Hưng Tân, một xã nông thôn mới kiểu mẫu sạch đẹp, văn minh, yên bình.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng hết sức ấn tượng về truyền thống văn hoá, lịch sử, giàu truyền thống cách mạng của xã Hưng Tân. Xã cũng có nhiều sản phẩm đặc sản, nỗ lực xây dựng nông thôn mới, phát triển văn hoá, đặc biệt là bảo tồn và phát huy giá trị Dân ca ví, giặm, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng, hiệu quả.
Chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Tân đạt được trong thời gian qua, đồng chí Nguyễn Đức Trung mong rằng, trong thời gian tới xã phát huy kết quả đạt được, tiếp tục xây dựng xã Hưng Tân ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh; người dân có sự đồng thuận mạnh mẽ, sâu rộng trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng lãnh đạo các sở, ngành đã đến thăm Nhà máy may An Nam Matsuoka trong Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An.
Dự án Nhà máy may An Nam Matsuoka có tổng mức đầu tư 1.251 tỷ đồng, với 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu triển khai vào tháng 9/2019 và đến tháng 3/2020 đi vào vận hành chính thức, dự kiến đến tháng 2/2025 sẽ hoàn thành.
Sản phẩm đầu ra của Nhà máy may An Nam Matsuoka là quần áo, sản phẩm may mặc với công suất: Sản xuất và gia công trang phục 6.400.000 sản phẩm/năm; Giặt, làm sạch trang phục 960.000 sản phẩm/năm; Sản phẩm gia công khác 2.000.000 sản phẩm/năm.
Đến nay, nhà máy đã tuyển dụng được 2.300 lao động, với mức thu nhập từ 6,5 đến 9,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu năm 2023 của nhà máy đạt 385 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, EU, Canada, Mỹ.
Sau khi nghe lãnh đạo nhà máy báo cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá cao sự đầu tư bài bản, công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất chặt chẽ của chủ đầu tư. Nhà máy đã xây dựng được môi trường làm việc cho người lao động rất tốt. Đến nay, đây là dự án FDI của nhà đầu tư Nhật Bản có số vốn lớn nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy đã đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tạo ra nhiều việc làm cho lao động, trong đó, chủ yếu là lao động người Nghệ An.
Chia sẻ với những kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, các sở, ngành và địa phương luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và đang tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh. Hiện tỉnh đang kêu gọi xây dựng hạ tầng xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động và cố gắng đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung giao các sở, ngành, huyện Hưng Nguyên tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư trong Khu Công nghiệp VSIP nói chung và Nhà máy may An Nam Matsuoka nói riêng, đặc biệt là vấn đề nguồn lao động.
Phạm Bằng