Cùng dự cuộc làm việc có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành…
Dự án Luật Thi đua khen thường (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khoá XV và hiện đang được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba tới. Tại Phiên họp thứ Bảy, tháng 1.2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số bộ, ngành có liên quan, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, đến thời điểm này, hầu hết các nội dung lớn của dự thảo Luật đã được thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cũng như các cơ quan có liên quan trong việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật dự kiến chỉnh lý còn 96 điều, ít hơn 2 điều so với dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, trong đó bổ sung 1 điều và bỏ 3 điều. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau như: việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến; hình thức văn bản để quy định việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến; thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Qua thảo luận của các đại biểu và xem xét cụ thể các nội dung còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, cuộc làm việc nhằm rà soát các nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), xác định rõ các vấn đề cần tập trung xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (diễn ra từ ngày 28-29.3 – PV).
Đối với nội dung về khen thưởng tổng kết thành tích kháng chiến gắn với đó là bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” và hình thức văn bản để quy định về hai nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong cuộc họp chiều 25.3.2022, Bộ Chính trị đã có một số kết luận liên quan đến vấn đề này, thống nhất đánh giá đã cơ bản hoàn thành việc khen thưởng thành tích kháng chiến, còn một số trường hợp tồn đọng sẽ tiếp tục xử lý. Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, bám sát nội dung kết luận của Bộ Chính trị để chỉnh lý, theo tinh thần tiếp tục quy định về khen thưởng thành tích kháng chiến và bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo Luật, tập trung xử lý các vấn đề còn tồn đọng trước, chưa đặt vấn đề khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong” cho đối tượng Thanh niên xung phong tham gia sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với nội dung về khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề khen thưởng đã rõ, quy định vấn đề này trong dự thảo Luật. Trong trường hợp thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tới đây đại biểu Quốc hội có ý kiến về vấn đề này thì sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để chuẩn bị phương án trình Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, làm rõ căn cứ, lý lẽ đối với từng vấn đề trên tinh thần những vấn đề nào đã rõ, "đã chín" mới trình Quốc hội.
Quỳnh Chi