Phát biểu kết thúc phần chất vấn nội dung này, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã nhấn mạnh một số nội dung quan trọng.

3 việc làm tốt

Việc quản lý, vận hành hồ chứa thuỷ lợi, hồ chứa thuỷ điện được các cấp, các ngành, đặc biệt là cử tri, Nhân dân vừa quan tâm, vừa lo lắng. Chính sự quan tâm, lo lắng của Nhân dân và cả hệ thống chính trị, thời gian qua, tỉnh ta đã làm được một số việc.

Thứ nhất là cơ chế điều hành được thống nhất từ tỉnh đến cơ sở bằng việc thành lập các Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và phòng thủ dân sự; Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, vận hành hồ chứa. Tỉnh cũng đã xây dựng quy chế giữa chính quyền địa phương, giữa các ngành quản lý với chủ các hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện để thực hiện hệ thống các văn bản chỉ đạo, quy trình vận hành hồ chứa được xây dựng

Thứ hai, phương án “4 tại chỗ” luôn chủ động, định kỳ tổ chức diễn tập cứu nạn, cứu hộ, phòng chống thiên tai, cho nên khi có tình huống diễn ra thì “4 tại chỗ” cấp xã, huyện hết sức chủ động.

Thứ ba, công tác động viên, thăm hỏi đồng bào bị ảnh hưởng của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong hệ thống chính trị được triển khai kịp thời, huy động cả xã hội chung tay giúp đỡ; đồng thời sau đó khắc phục, sửa chữa, duy tu các công trình, nhà ở bị hư hỏng, thiệt hại sản xuất, kinh doanh.

ky-hop-11.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 11

6 vấn đề cần quan tâm

Qua chỉ đạo và phiên chất vấn tại Kỳ họp, HĐND tỉnh nhận thấy có những vấn đề cần tiếp tục quan tâm tập trung chỉ đạo và khắc phục.

Một là, số lượng công trình hồ đập thủy lợi bị xuống cấp nhiều, nguy cơ mất an toàn cao. Đây là cảnh báo, vấn đề cần quan tâm giải quyết từng bước một và giải quyết căn cơ để không còn làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của Nhân dân.

Hai là, việc thiếu các thiết bị quan trắc, dự báo hiện đại; không theo dõi, giám sát, kiểm tra thông minh việc vận hành hồ chứa; hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du.

Ba là, quy trình vận hành xả lũ đã được phê duyệt, nhưng đơn vị, doanh nghiệp, chủ hồ đập có thực hiện đúng hay không thì không có khả năng để giám sát đầy đủ, chính xác, chặt chẽ.

Bốn là, một bộ phận cán bộ, chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm tuyên truyền, như cơn bão số 4 vào hồi tháng 10 vừa qua không đổ bộ vào tỉnh, chỉ có nước lũ dâng nhưng rất đáng tiếc có 8 người bị thiệt mạng, bởi vì việc tuyên truyền, cảnh báo để người dân hiểu, biết và tự phòng tránh hạn chế...

Năm là, việc thông tin, tuyên truyền, cảnh báo việc xả lũ đến với người dân vùng hạ du vẫn đang còn những khoảng trống. Dù đúng quy trình thông báo trước 4 tiếng đồng hồ, tuy nhiên nếu thông báo xả lũ lúc 2 giờ sáng và 6 giờ sáng xả thì thời điểm đó người dân đang ngủ thì không thể chủ động. Vì vậy đề nghị các sở, ngành nghiên cứu lại quy trình, ứng xử việc gì cũng phải nghĩ đến người dân.

Sáu là, nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai hạn chế, nhất là việc khắc phục các công trình thiết yếu có nguy cơ sạt lở cao còn kéo dài.

Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh, Nghệ An là địa phương chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề của thiên tai, nhất là lũ lụt. Riêng năm 2022, Nghệ An trải qua 01 đợt rét; 09 đợt nắng nóng; có 23 đợt mưa đá, mưa lớn cục bộ và 05 đợt mưa lớn trên diện rộng, tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống của Nhân dân. Từ đầu năm đến nay, thiên tai tại Nghệ An đã làm 11 người thiệt mạng, 01 người bị thương; 98 ngôi nhà bị sập hoàn toàn; 915 ngôi nhà bị bốc mái, sạt lở; nhiều diện tích sản xuất, vật nuôi của Nhân dân bị thiệt hại; nhiều công trình sạt lở, hư hỏng… Riêng ảnh hưởng của cơn bão số 4 vào hồi tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh đã thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác vận hành hồ chứa thuỷ lợi, thủy điện và công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai hiệu quả hơn trong thời gian tới.