chu-tich-hdnd-tinh-nhan-manh-8-nhom-nhiem-vu-can-tap-trung-trong-quan-ly-phat-trien-rung-va-lam-nghiep--n1.jpg
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên giải trình

Hoàn thành gần 60% kế hoạch giao đất, giao rừng

Kết luận tại phiên giải trình, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý khẳng định, qua phát biểu của lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành và địa phương, cho thấy việc tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh là đúng, trúng. Đây là vấn đề quan trọng, được Nhân dân rất quan tâm, cử tri rất chú ý, bởi vậy cần phải được rà lại, đánh giá lại và có kết luận để triển khai trong thời gian tới.

Thường trực HĐND tỉnh cũng thống nhất cao với báo cáo phục vụ phiên giải trình cùng các ý kiến giải trình của lãnh đạo UBND tỉnh và phát biểu, trao đổi của các sở, ngành trước các câu hỏi của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh.

Đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích được quy hoạch trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Diện tích rừng lớn, địa bàn rộng; trong khi đó đội ngũ quản lý nhà nước về lĩnh vực này không những ngày càng không được mở rộng mà ‘thắt chặt” lại; thời tiết, khí hậu khắc nghiệt; Nhân dân vùng này còn nghèo; cho nên đây là vấn đề lớn, nhạy cảm. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác giao đất, giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Rõ nhất là tỉnh đã kịp thời ban hành Quyết định số 4213/QĐ.UBND ngày 20/9/2018 về việc phê duyệt Đề án giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2021. Quá trình điều hành, thực hiện đạt gần 60% mục tiêu Đề án đề ra, góp phần giải quyết được những vấn đề căn cơ liên quan đến đất rừng, đất lâm nghiệp cho người dân.

Mặt khác, tỉnh cũng đã thực hiện rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, vừa đảm bảo độ che phủ, vừa tạo cho cộng đồng dân cư miền núi có đất sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống, đồng thời nâng cao giá trị sử dụng đất rừng, đất lâm nghiệp.

Bên cạnh một số mặt tích cực, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm tồn tại, hạn chế cần rút kinh nghiệm, như: tiến độ thực hiện Đề án giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân chưa đạt như mong muốn; đối với các tổ chức được giao quản lý rừng, đất lâm nghiệp thì chưa giao trên thực địa, thậm chí có những quyết định khi thành lập tổ chức để giao, hiện bây giờ không còn phù hợp với thực tiễn. Việc chưa giao, chưa đo đạc, chưa cắm mốc đã dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp và xảy ra các vi phạm liên quan như thời gian qua; có một số diện tích rừng sản xuất lại nằm trong khu vực đất rừng tự nhiên, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, nên các tổ chức, cá nhân không thể sử dụng…

8 nội dung trọng tâm cần thực hiện

Từ những khó khăn, tồn tại, bất cập đặt ra, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các địa phương cần thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, rà soát lại các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nếu phát hiện văn bản có nội dung bất cập, lạc hậu thì tham mưu điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện lại đối với những văn bản thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với những văn bản thuộc thẩm quyền Trung ương, để đảm bảo các văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn. Đây là nội dung cần phải tiến hành thường xuyên.

Hai là, tiến hành nhanh nhất có thể việc đo đạc, rà soát, cắm mốc ranh giới, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh lại cần đưa khoảng 58.000 ha diện tích đất sản xuất ra khỏi rừng đặc dụng, rừng phòng hộ như báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giao lại cho các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Cùng với đó, cần tranh thủ tối đa các nguồn lực để bổ sung cho công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới.

chu-tich-hdnd-tinh-nhan-manh-8-nhom-nhiem-vu-can-tap-trung-trong-quan-ly-phat-trien-rung-va-lam-nghiep--n3.jpg
Toàn cảnh phiên giải trình về kết quả thực hiện công tác giao đất; giao rừng; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Ba là, đánh giá, tổng kết một cách bài bản Đề án giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở đó đề ra giải pháp cho giai đoạn mới; trong đó hết sức lưu ý giải pháp tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giao đất, giao rừng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bốn là, quan tâm kêu gọi xã hội hoá để phát triển rừng, ngành lâm nghiệp, nhất là đầu tư vào sản xuất các bộ giống cây lâm nghiệp đạt chất lượng cao để cung cấp cho Nhân dân.

Năm là, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm lâm, các cơ quan, tổ chức chăm sóc, bảo vệ rừng. Giao Sở Nội vụ nghiên cứu, tham mưu triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương về tinh giản biên chế vừa đảm bảo tính hài hòa, phù hợp, khoa học, hiệu quả, để lực lượng chăm sóc và bảo vệ rừng được chăm lo cả về mặt con người và cơ chế, chính sách.

Sáu là, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giảm thiểu số vụ thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Bảy là, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện tốt tuần tra, truy quét, kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng.

Tám là, thực hiện tốt các cơ chế chính sách về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng thống nhất đề xuất của UBND tỉnh đưa vào chương trình kỳ họp thường lệ tới đây của HĐND tỉnh để xem xét, thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách cho chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng./.