bna-mh1-9847.jpg
Quang cảnh cuộc làm việc của đoàn giám sát HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh với một số sở, ngành cấp tỉnh. Ảnh: MH

Nhiều giải pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

Chiều 24/4, đoàn giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã có cuộc làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam.

Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì cuộc làm việc.

Cùng tham gia có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và Thái Thị An Chung – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Báo cáo với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đều khẳng định, việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và trong Khu kinh tế Đông Nam được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo.

bna-mh-4179.jpg
Đồng chí Thái Văn Nông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo kết quả thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Ảnh: MH

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đến các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; ngành Tài nguyên và Môi trường chú trọng nâng cao công tác thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Giấy phép môi trường, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ và có tính khả thi cho việc chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Việc quản lý và xử lý chất thải phát sinh ngày càng chặt chẽ, nhất là rác thải nguy hại, chất thải sinh hoạt. Trên cơ sở chỉ đạo, phân công của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tích cực triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; bảo vệ, khắc phục, cải tạo môi trường…

bna-mai-hoa-4-4269.jpg
Lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tham gia cuộc làm việc. Ảnh: MH

Điển hình là xử lý ô nhiễm môi trường tại điểm tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, với 120/954 điểm; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với 33/42 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được kiểm tra và chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh những nỗ lực, việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt vẫn còn những bất cập. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chậm trễ trong việc khắc phục ô nhiễm môi trường gây bức xúc cho nhân dân và gây áp lực cho công tác quản lý nhà nước, nhất là một số trạng trại chăn nuôi… Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang chậm hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các đơn vị công ích, gồm bệnh viện, bãi rác...

bna-mh-3-1005.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Hải - Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam báo cáo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khu kinh tế. Ảnh: MH

Một số tồn tại, hạn chế cần quan tâm

Thông qua giám sát trực tiếp tại một số địa phương và cơ sở sản xuất kinh doanh, tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát của HĐND tỉnh đặt ra nhiều vấn đề.

Đánh giá cao những nỗ lực trong triển khai các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo chuyển biến tích cực trên phạm vi toàn tỉnh không có sự cố về môi trường, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nêu băn khoăn về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt; một số nơi đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, nhưng chưa được xử lý theo phân loại, nên chưa hiệu quả.

bna-mai-hoa-407.jpg
Đồng Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nêu băn khoăn về việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đặt ra nhiều bất cập hiện nay. Ảnh: MH

Bên cạnh đó, chất lượng nước sinh hoạt cho người dân cũng là mối lo hiện nay, khi nguồn đầu vào có các bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xác chết của các loại động vật.

Từ băn khoăn đó, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu để kiến nghị tỉnh có giải pháp đủ mạnh xử lý được thực trạng hiện nay.

bna-mh5-2402.jpg
Đồng chí Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nêu một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh triển khai. Ảnh: MH

Một số thành viên cũng quan tâm đến việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 liên quan đến quản lý chất lượng môi trường không khí, quản lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế, chất thải cồng kềnh, chất thải xây dựng…

Làm rõ giải pháp cụ thể đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý triệt để; xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; việc giám sát đối với các cơ sở có lượng xả nước thải lớn chưa lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hoặc đã lắp nhưng chưa truyền dữ liệu tự động về Sở Tài nguyên và Môi trường.

bna-mai-hoa1-9948.jpg
Đồng chí Cao Tiến Trung - Uỷ viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nêu một số tồn tại, hạn chế về môi trường đang đặt ra hiện nay trên địa bàn tỉnh. Ảnh: MH

Nghiên cứu đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách

Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chia sẻ những khó khăn trong hoạt động quản lý môi trường với lực lượng mỏng và liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp.

Nêu một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát lại các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường liên quan đến thẩm quyền cấp tỉnh để xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND tỉnh để cụ thể triển khai trên địa bàn tỉnh; đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các nội dung trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được phê duyệt; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và hành động của các tổ chức và Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

bna-mh2-8300--n1.jpg
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động nghiên cứu, đề xuất tỉnh ban hành cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường. Ảnh: MH

Liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đồng chí Nguyễn Nam Đình đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; quan tâm đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề và làng có nghề; quan tâm thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường.

Từ thực tiễn bất cập về nguồn lực trong đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ môi trường; xử lý chất thải sinh hoạt; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động nghiên cứu, đề xuất tỉnh ban hành cơ chế chính sách về hỗ trợ nguồn lực; cơ chế chính sách thu hút các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường; cơ chế chính sách xử lý rác thải sinh hoạt…

Mai Hoa