Quyết định giao chiến ở Điện Biên Phủ

Tháng 7.1953, tướng Henri Navarre sau khi được cử làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, để cứu vãn tình hình đang suy sụp, đã nhanh chóng lập ra kế hoạch: Trong 18 tháng, tập trung lực lượng cơ động chiến lược để tiến công tiêu diệt phần lớn chủ lực của Việt Minh, buộc Chính phủ của Hồ Chí Minh phải chấp nhận đàm phán và tìm “lối thoát danh dự” cho cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương.

B1-1712897338876.jpeg
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi tới Đông Dương, Navarre đã thực hiện những bước đầu tiên trong kế hoạch mang tên mình. Đó là, tập trung các binh đoàn cơ động càn quét bình định đồng bằng Bắc Bộ; cho quân dù chiếm Lạng Sơn, tấn công Ninh Bình, uy hiếp các vùng căn cứ kháng chiến Việt Bắc và Thanh - Nghệ - Tĩnh, hành quân càn quét vùng Nam Trung Bộ.

Tháng 11.1953, khi phát hiện các đơn vị lớn bộ đội chủ lực của Việt Minh tiến lên Tây Bắc, Navarre quyết định mở cuộc hành quân Castor (Hải ly), điều 6 tiểu đoàn lính dù chiếm Điện Biên Phủ để chặn đường tiến của tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay sau đó quân Pháp gấp rút xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Dưới con mắt địa - quân sự, thung lũng Điện Biên Phủ bằng phẳng và rộng nhất ở Tây Bắc (từ 6 - 8km, dài 15 - 17km). Navarre đánh giá địa hình và vị trí này rất thuận lợi cho việc xây dựng tập đoàn cứ điểm phòng thủ - căn cứ lục quân, không quân tốt nhất ở miền bắc Đông Dương.

Hình thức tập đoàn cứ điểm cũng đã được Pháp xây dựng trong Đông Xuân 1951 - 1952, tại Hòa Bình, Nà Sản (Sơn La). Các vị trí này đã bị tấn công nhưng bộ đội Việt Minh đều không đánh được, có trận còn bị tổn thất nặng. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xây dựng kiên cố, tập trung được binh lực thiện chiến, nhiều vị trí và trung tâm đề kháng, có cầu hàng không có thể vận chuyển liên tục với số lượng lớn... được các tướng lĩnh và chuyên gia quân sự Pháp và cả Mỹ đánh giá là “Nà Sản lũy thừa 10”, là “Verdun ở Đông Dương”, là bất khả xâm phạm... Nếu bộ đội Việt Minh có liều lĩnh tấn công thì tập đoàn cứ điểm sẽ trở thành “cái nhọt hút độc”, là “cái cối xay thịt” nghiền nát chủ lực của Việt Minh.

Dù trong Kế hoạch Navarre, đến mùa thu 1955 mới đưa quân ra miền Bắc để tập trung đánh đòn chiến lược quyết định với quân chủ lực của Võ Nguyên Giáp sau khi đã bình định xong Nam Bộ và “thanh toán” được vùng tự do Liên khu 5, nhưng trong thế bị động, phải đối phó với nhiều đòn tiến công ở nhiều hướng chiến trường trọng yếu, viên Tổng chỉ huy Pháp đã có một quyết định táo bạo - chấp nhận giao chiến ở Điện Biên Phủ. Navarre muốn có một trận đánh lớn ở Điện Biên Phủ.

Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà cho biết, cuối tháng 8.1953, sau khi nắm được nội dung cơ bản của Kế hoạch Navarre, Tổng Quân ủy đã trình Bộ Chính trị Trung ương Đảng Đề án “Tình hình địch - ta ở Bắc Bộ sau khi địch rút khỏi Nà Sản và chủ trương tác chiến của ta trong Thu Đông 1953”. Bên cạnh đó, nghiên cứu xác định phương án tác chiến mới thích hợp, tập trung vào việc phân tán lực lượng cơ động địch.

Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ và thông qua kế hoạch chiến dịch do Tổng Quân ủy trình bày. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm: Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái; Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm; Chủ nhiệm cung cấp Đặng Kim Giang. Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.

Quyết định chọn Điện Biên Phủ của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua báo cáo và sự chuẩn bị, xây dựng kế hoạch chiến dịch của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu, dựa trên các căn cứ: cuộc kháng chiến đã lớn mạnh, đang ở giai đoạn liên tiếp mở ra các chiến dịch chủ động tiến công quân Pháp. Mặc dù so sánh lực lượng quân sự còn thua kém địch cả về quân số, vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh, nhưng trình độ và kinh nghiệm tác chiến của bộ đội ta đã được nâng lên rất nhiều.

Bộ chỉ huy quân Pháp đã tỏ rõ sự bị động về chiến lược và chiến dịch khi đem một lực lượng lớn quân cơ động tinh nhuệ lên địa bàn Điện Biên Phủ xa xôi, chỉ có thể tiếp tế bằng đường không, tổ chức phòng ngự, chờ bộ đội ta tiến công để đối phó. Đây là tính toán sai lầm của Tổng chỉ huy Navarre do chủ quan về khả năng tiến công của đối phương, mà ta có thể lợi dụng để đánh bại kẻ thù bằng ý chí quyết tâm, tinh thần dũng cảm của toàn quân, toàn dân.

Chủ trương của Đảng, căn cứ vào thực tiễn chiến trường, không phải và không thể đánh tiêu diệt hoàn toàn đạo quân Pháp xâm lược, mà tập trung lực lượng vào một đòn quyết định nhằm đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh, buộc Bộ Chỉ huy Pháp phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng Việt Nam bằng sức mạnh quân sự. Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn quân, toàn dân đều thể hiện sự quyết tâm chiến đấu cao, lòng tin vào thắng lợi.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, Điện Biên Phủ, trước đó vô danh trên bản đồ quân sự, chưa có trong Kế hoạch Navarre, cũng chưa được nhắc đến trong kế hoạch tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược, cuộc đọ sức quyết liệt với những nỗ lực chiến tranh cao nhất của cả hai bên. Đã đến lúc cả hai bên tham chiến đều nhận thấy cần có một trận đánh quyết định để kết thúc chiến tranh. Và Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn lịch sử” một cách nhanh chóng chỉ sau hai tuần, nếu tính từ khi những lính dù Pháp đầu tiên được ném xuống vùng lòng chảo Điện Biên.

Ngày 5.1.1954, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên đường tới mặt trận Điện Biên Phủ. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với ông: “Tổng tư lệnh mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau...”; “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”.