Cụ thể, về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định theo hướng liệt kê hàng trăm trường hợp Nhà nước thu hồi. Ủy ban Kinh tế cho rằng, ưu điểm của cách tiếp cận này là bảo đảm sự rõ ràng, dễ theo dõi, dễ áp dụng; nhưng ngược lại, liệt kê quá cụ thể, chi tiết các trường hợp thu hồi thì sẽ khó bao quát, đầy đủ.

“Có khi càng liệt kê càng thiếu, rất chi tiết nhưng vẫn thiếu”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói trong phiên họp gần đây nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thay vì tiếp cận theo hướng “chọn cho” như vậy, Chủ tịch Quốc hội gợi ý tiếp cận theo hướng “chọn bỏ”.

Với hướng tiếp cận "chọn bỏ", dự thảo Luật có thể quy định những trường hợp áp dụng hình thức thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trừ những trường hợp đó thì còn lại là Nhà nước thu hồi. Đồng thời quy định thêm nguyên tắc: thu hồi đất là phải trong quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, và có thể đưa ra những trường hợp nghiêm cấm - ví dụ hành vi vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa ra quyết định thu hồi đất. “Trong công tác cán bộ cũng phải quy hoạch một thời gian mới xem xét bổ nhiệm, đất đai cũng phải thu hồi trong quy hoạch. Tránh trường hợp không có trong quy hoạch nhưng lại muốn điều chỉnh quy hoạch, chạy quy hoạch; chạy quy hoạch xong thì quyết định thu hồi luôn. Quy hoạch, kế hoạch là để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích công cộng, còn có gì khác đâu”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Tương tự, hiện có 2 loại ý kiến về dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng là trường hợp thu hồi đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, quy định tiêu chí phân định theo quy mô về diện tích dự án. Dự án có quy mô từ 10ha trở lên tại khu vực nông thôn và 5ha trở lên tại khu vực đô thị là trường hợp đấu thầu, dưới mức này là trường hợp đấu giá, trừ trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất. Trong khi đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị quy định theo hướng giao HĐND quyết định dự án thực hiện đấu thầu dựa trên một số nguyên tắc quy định ngay trong luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, quy định đấu giá, đấu thầu với dự án quy mô lớn rất khó xác định, có thể lớn với địa phương này, nhưng lại nhỏ với địa phương khác. Vì vậy nên tính toán kỹ lại theo cách “chọn bỏ”, trừ những trường hợp nào không thu hồi, còn lại là thuộc diện thu hồi. “Chọn cho” theo cách ở dự thảo hiện nay thì khó mà thống nhất!

“Chọn cho”, “chọn bỏ” là hai phương pháp tiếp cận trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. “Chọn cho” thuận lợi trong quản lý nhưng dễ tùy nghi, không minh bạch, dễ tạo xin - cho và gây tốn kém cho người dân và doanh nghiệp. Tiến bộ hơn “chọn cho”, hướng tiếp cận “chọn bỏ” cởi mở, tốt hơn cho tư duy năng động, sáng tạo nhưng đòi hỏi quản lý phải chuyên sâu hơn, giám sát phải chặt chẽ hơn, nhanh nhạy và hiệu quả hơn… Luật Đầu tư khi thiết lập các điều kiện tiếp cận thị trường, nhờ được thiết kế theo tinh thần “chọn bỏ” (quy định những gì cấm, còn lại doanh nghiệp, nhà đầu tư được phép đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật) thay vì “chọn cho” (nghĩa là cái gì cho đầu tư kinh doanh thì ghi trong luật), đã góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tiếp cận theo cách “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” như gợi ý của người đứng đầu Quốc hội là một hướng mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần cân nhắc. Với vấn đề kỹ thuật phức tạp như vậy, việc tham vấn thêm các ý kiến chuyên môn, từ giới chuyên gia, doanh nghiệp cũng là điều đặc biệt cần thiết. Bởi thu hồi đất là vấn đề then chốt nhất của sửa chính sách đất đai lần này, do đó, mọi đề xuất, mọi hướng tiếp cận đều cần được hoan nghênh và nghiên cứu.