Về phía ta: Mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công thứ 3 đã tiến hành rất chu đáo. Các chiến hào được củng cố tới mức bộ đội có thể di chuyển ban ngày ngay gần quân địch, cho phép các đơn vị mỗi khi tiến đánh một vị trí, nhanh chóng bỏ qua giai đoạn đột phá tiền duyên. Cán bộ, chiến sĩ thuộc địa hình cứ điểm mục tiêu như những đồn đã diễn tập nhiều lần.

hau-can-chien-dich-dien-bien-phu-01_20240430125002.jpg
Lực lượng dân công vận chuyển lương thực ra mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Đợt học tập chính trị đã mang lại cho mọi người niềm tin vững chắc ở thắng lợi. Chưa lúc nào kho của mặt trận đầy đủ, sung túc thóc gạo bằng thời kỳ này. Vào cuối tháng 4, hậu cần đã có dự trữ cho tháng 5. Về đạn cho lựu pháo, ngoài 5.000 viên thu được của địch tại mặt trận Điện Biên Phủ còn có hơn 400 viên đạn chiến lợi phẩm thu được ở Trung Lào, đã được ngành hậu cần chuyển ra tới mặt trận. Đây sẽ là một bất ngờ lớn dành cho quân địch vào những ngày tiến công cuối cùng. Sau đợt 2 chiến dịch, chỉ trong 10 ngày ta đã xây dựng xong một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và một tiểu đoàn H6 (hỏa tiễn) do Trung đoàn 676 phụ trách, kịp thời bổ sung cho mặt trận.

hau-can-chien-dich-dien-bien-phu-03_20240430125002.jpg
Đoàn ngựa thồ hàng hóa trên đường ra chiến dịch. Ảnh tư liệu

Trung đoàn 9 thuộc Đại đoàn 304, lên Tây Bắc từ trung tuần tháng 3 hoàn thành công tác tiễu phỉ và đã nhanh chóng tới tham gia tại mặt trận Điện Biên Phủ. Đại đoàn 304 (thiếu một trung đoàn) là đại đoàn cuối cùng có mặt trong đội hình chiến đấu.

Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra trong đợt 2: Tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía Tây và phía Đông, thu hẹp thêm phạm vi chiếm đóng của quân địch, chuẩn bị cho tổng công kích. Nhiệm vụ được giao cho các đơn vị như sau:

Đại đoàn 316 được phối thuộc Trung đoàn 9 của Đại đoàn 304 (thiếu 1 tiểu đoàn) có nhiệm vụ tiêu diệt A1, C1 và C2; Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía Đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm; Đại đoàn 308 tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía Tây; Trung đoàn 57 thuộc Đại đoàn 304 được phối thuộc 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 9 có nhiệm vụ cử 1 tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây xung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm; Đại đoàn 351 phối hợp với bộ binh trong các trận đánh điểm và đánh phản kích.

Thời gian chiến đấu bắt đầu từ 1-5-1954 đến 5-5-1954. Nhiệm vụ trọng tâm của đợt này là tiêu diệt cho được A1. Từ sau đợt tiến công khu Đông, A1 trở thành điểm nhức nhối đối với các đơn vị tham gia chiến dịch.

hau-can-chien-dich-dien-bien-phu-04_20240430125002.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho các đơn vị trên sa bàn tại Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trong cuốn Hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết: "Tôi đã nhiều lần trao đổi trong cơ quan tham mưu về cao điểm A1. Chúng ta tìm được một người dân địa phương ngày trước tham gia xây dựng ngôi nhà trên đồi này. Theo kể lại thì đó là một ngôi nhà tuy kiên cố, nhưng không có gì là đặc biệt, khi mới xây không có hầm ngầm. Nghe bộ đội tả lại căn hầm, người dân cho rằng có thể quân Nhật trong thời gian đóng ở Điện Biên Phủ đã xây dựng căn hầm này đề phòng máy bay Mỹ ném bom, hoặc có thể quân Pháp đã cải tạo hầm rượu cũ thành hầm ngầm. Về sau mới biết, trong hai tháng xây dựng công sự, quân Pháp đã dùng gạch, đá từ ngôi nhà trên đồi, biến hầm rượu thành một căn hầm trú ẩn tương đối kiên cố với rất nhiều đất đổ bên trên... Nhưng nó vẫn không thể nào sánh với những boongke mà bộ đội ta đã từng tiêu diệt ở đồng bằng.

Anh Thái cử cán bộ cơ quan tham mưu cùng đi trinh sát với cán bộ thuộc Trung đoàn 174, phát hiện một giao thông hào chạy từ A1 xuống A3 ở phía bờ sông, địch có thể dễ dàng đưa quân ứng chiến lên phản kích bất cứ lúc nào.

Anh em đề nghị đào một đường hào men theo đường 41, tách rời A1 với A3, cũng là cắt đứt đường tăng viện của quân địch. Trung đoàn 174 đề nghị đào thêm một đường hầm từ trận địa của ta tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Đây quả là một kỳ công.

Công binh của đơn vị tính toán sẽ hoàn thành công trình này trong vòng 14 ngày và bảo đảm đào đúng hướng. Tôi nói với anh Thái những người trực tiếp đánh Đồi A1 đã đề nghị thì nên chấp nhận, cử cán bộ kỹ thuật xuống cùng đơn vị giải quyết những khó khăn về chuyên môn, còn cơ quan theo dõi thật kỹ việc cắt rời A1 với A3, chỉ khi nào hoàn thành đường hào này mới cho Trung đoàn 174 tiến công.

Đường hầm ở A1 đào chậm hơn dự kiến. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung trực tiếp chỉ huy, đã tiến hành công việc ngay trước mũi súng quân địch, trong tầm kiểm soát của lựu đạn. Đất Đồi A1 cực kỳ rắn, Tiểu đội trưởng Lưu Viết Thoảng lựa chọn một tổ khỏe nhất mở cửa hầm. Cả đêm đầu chỉ khoét được vào vách núi mỗi chiều 90cm. Địch không ngừng bắn súng và ném lựu đạn. 3 đồng chí bị thương, bản thân đồng chí Thoảng cũng bị ngất vì sức ép của lựu đạn. 3 đêm mới đào xong cửa hầm, khi đào sâu vào lòng núi được 10m, bắt đầu phải khắc phục thêm khó khăn: Thiếu không khí, đèn, đuốc mang vào hầm đều bị tắt, số đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều không được để cho quân địch phát hiện. Các chiến sĩ phòng ngự tại A1 có kế hoạch chiến đấu không cho quân địch tiến xuống cửa hầm, dù phải hy sinh tới người cuối cùng, để bảo vệ bí mật tuyệt đối ý đồ đánh địch của ta.

Trong khi đó, các đơn vị khác đều chuẩn bị xong, nhiều mũi hào đã luồn sâu dưới hàng rào dây thép gai của địch. Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định đúng ngày N các đơn vị đồng loạt nổ súng, triệt để áp dụng chiến thuật đánh lấn để giảm nhẹ thương vong, riêng A1 sẽ đánh khi đường hầm ở A1 hoàn thành".

Về phía địch: Mấy ngày gần đây, quân địch không còn tính tới chuyện đẩy ta ra khỏi A1 và C1, chúng chỉ ra sức củng cố hầm hào chờ đợi đợt tiến công cuối cùng. Mỗi ngày địch huy động hơn 100 máy bay đổ lương thực, đạn dược xuống Mường Thanh. Nhưng De Castries chỉ nhận được khoảng một nửa. Máy bay địch phải bay cao thả dù để tránh cao xạ tầm trung của ta, khu vực thả dù lại quá hẹp, nên một phần ba đồ tiếp tế rơi xuống trận địa ta, một số không ít rơi xuống bãi mìn và những khu vực bị hỏa lực ta kiểm soát chặt nên địch không thể thu lượm.