"Chìa khóa" để phát triển bền vững
Thời gian vừa qua, Nhà nước đã đầu tư và có nhiều giải pháp để bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhưng chúng ta cũng đang đứng trước nhiều vấn đề đặt ra với an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước. Cụ thể, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia, sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ chiếm tới 63%. Trong các năm gần đây, các quốc gia ở thượng nguồn đã, đang đẩy mạnh việc xây dựng công trình thủy điện, gia tăng khai thác, sử dụng nước, chuyển nước trên lưu vực sông Me Kong và sông Hồng gây ô nhiễm, thiếu hụt phù sa về hạ lưu, tác động đến hệ sinh thái, suy thoái nguồn nước của nước ta trong khi đến nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả để hợp tác, chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia có chung nguồn nước.
Trong nước, lượng mưa trung bình lớn nhưng phân bố không đều. Một số vùng, một số khu vực có nguy cơ bị sa mạc hóa như Bình Thuận, Ninh Thuận. Cùng với đó, biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Nguồn nước ở nhiều khu vực bị ô nhiễm trầm trọng. Trong khi tổng nhu cầu nước tăng cao theo từng năm. Công trình khai thác nguồn nước được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, khó thay đổi công năng đáp ứng cho sản xuất quy mô lớn. Tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%).
Tờ trình của Chính phủ về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045 (Đề án) nêu rõ, để bảo đảm mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thành nước phát triển vào năm 2045 thì bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước là chìa khóa then chốt.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cho rằng, việc xây dựng Đề án là hết sức cấp bách bởi an ninh nước là vấn đề mang tính toàn cầu hiện nay. Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước do nhiều nguyên nhân, yếu tố. Do đó, cần có Đề án với tầm nhìn dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, cấp đủ nước theo các mức bảo đảm cho sản xuất, các ngành kinh tế thiết yếu; giảm rủi ro thiệt hại từ các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, đặc biệt đối với khu vực dân cư nghèo, vùng sâu, vùng xa; bảo vệ chất lượng nguồn nước, hệ sinh thái nước; bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; bảo đảm công bằng trong tiếp cận nguồn nước; mọi người dân, mọi đối tượng sử dụng nước được tiếp cận và sử dụng nguồn nước trong sinh hoạt, sản xuất với chi phí hợp lý.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cấp thiết ở nước ta. Do đó, Đề án cần thể hiện được các mục tiêu: quản lý tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nguồn nước; sử dụng nước hiệu quả, cân bằng; bảo đảm an ninh nguồn nước trên 5 khía cạnh: nước sinh hoạt cho các hộ gia đình, nước cho phát triển kinh tế - xã hội, nước cho phát triển đô thị bảo vệ môi trường và phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ, tiềm năng về nước của nước ta là rất lớn nên Đề án phải có giải pháp nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng này.
Các giải pháp còn mờ nhạt
Nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh nguồn nước phải gắn với công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, vấn đề "kinh tế hóa" tài nguyên nước còn rất mờ nhạt trong Đề án này. Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, quan điểm về quản lý tổng hợp tài nguyên nước cũng chưa rõ trong Đề án; các giải pháp cũng chưa thấy trọng tâm, trọng điểm, căn cơ. "Đơn cử, trong hợp tác quốc tế thì hợp tác tiểu vùng Me Kong mới là quan trọng. Vừa rồi, chúng tôi đi công tác ở các nước châu Âu thì thấy rằng, các nhà lãnh đạo châu Âu đang rất quan tâm đến hợp tác tiểu vùng sông Me Kong”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Đề án chưa có các giải pháp cụ thể để đạt được các mục tiêu đề ra. Đơn cử như Đề án đề cập tới trữ lượng nguồn nước ngầm của nước ta tương đối lớn, nhưng lại chưa nêu được giải pháp để bảo vệ, phát huy tiềm lực về nước ngầm ra sao. Trong khi thực tế đã cho thấy, hiện nay nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nước ngầm do thói quen, tập quán của người dân trong việc chôn cất người chết, xu hướng mở rộng các nghĩa trang, việc chôn lấp rác thải bừa bãi… Cho rằng, các giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ngầm còn mờ nhạt trong Đề án, Trưởng ban Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị cần bổ sung các giải pháp nhằm bảo vệ, bảo đảm nguồn nước ngầm có chất lượng, đặc biệt, cần có những giải pháp nhằm thay đổi mạnh mẽ nhận thức và tập quán của người dân nhằm góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, Đề án cần có các giải pháp quy hoạch gắn với bảo vệ nguồn nước mặt. Hiện nay, các khúc sông hoặc ngay cả các đập, hồ chứa nước được quy hoạch để khai thác nước mặt làm nước sinh hoạt cũng chưa có giải pháp bảo vệ tốt, nếu có thì giải pháp bảo vệ cũng chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh đó, Đề án đưa ra các chỉ tiêu để người dân được thụ hưởng nước sinh hoạt đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng chưa có giải pháp thỏa đáng đi kèm. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, ở đây, không chỉ là những giải pháp liên quan đến nguồn nước mà còn phải có cả các giải pháp về phân phối nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước sinh hoạt.
Nhật An