bna_picture1.png
Dự kiến các ga khách, ga hàng hóa trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh: Thành Duy

Theo phương án trình Quốc hội, đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao đoạn qua Nghệ An có chiều dài 85,5 km với điểm đón trả khách là Ga Vinh.

Ga Vinh được tư vấn đề xuất đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, giữa trục đường rộng 72m của Khu công nghiệp VSIP và trục Quốc lộ 46 mới kết nối phía Tây với trung tâm thành phố. Đây là ga 4 đường, tất cả các tàu đều dừng.

Depot Vinh bố trí tại xã Hưng Tân và Hưng Thắng (nay là xã Hưng Nghĩa) huyện Hưng Nguyên. Phục vụ cho khai thác khu đoạn Ngọc Hồi - Vinh.

Depot đường sắt tốc độ cao được sử dụng để chứa và dồn dịch các đoàn tàu; đồng thời là nơi thực hiện các tác nghiệp bảo trì, bảo dưỡng phương tiện đầu máy toa xe, kiểm tra các phương tiện thi công đường…

Trên tổng chiều dài 85,5 km qua địa bàn Nghệ An, dự kiến đặt 2 trạm để dồn dịch các phương tiện bảo trì (máy đầm, máy nâng giật chèn đường, máy điều hòa ba lát…) và chứa vật tư, vật liệu.

Trạm 1: Xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu. Phục vụ duy du, bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía trước Ga Vinh thuộc khu gian Thanh Hóa - Vinh.

Trạm 2: Đặt kết hợp trong depot Vinh đảm bảo sử dụng hiệu quả quỹ đất và thuận lợi trong quá trình tác nghiệp. Phục vụ duy tu, bảo dưỡng cho đoạn tuyến phía sau Ga Vinh thuộc khu gian Vinh - Hà Tĩnh.

bna_picture12png.png
Hướng tuyến dự kiến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An. Ảnh: Thành Duy

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An dự kiến như sau:

Đoạn tuyến từ Hoàng Mai đến núi Thần Vũ: Sau khi vượt núi Trường Lâm, hướng tuyến tránh Nhà máy Xi măng Hoàng Mai, đi về phía Tây, giữa hành lang của đường sắt hiện tại và đường bộ cao tốc theo đúng quy hoạch của địa phương.

Phạm vi huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu, tuyến đi song song với đường sắt hiện tại, cách khoảng 100m đến 400m về phía Tây.

Đoạn tuyến từ núi Thần Vũ đến sông Lam: Tuyến vượt hầm Thần Vũ, tránh đập Ồ Ồ, đi đúng hành lang theo quy hoạch qua Khu kinh tế Đông Nam, chạy cơ bản song song về phía Đông đường bộ cao tốc. Sau đó chạy cùng hành lang và kẹp giữa đường bộ cao tốc với tuyến tránh thành phố Vinh.

Tuyến vượt Quốc lộ 46 cũ, vượt đường sắt hiện tại và sông Lam tại địa phận xã Hưng Khánh cũ (nay là xã Hưng Thành), huyện Hưng Nguyên để sang địa phận tỉnh Hà Tĩnh.

Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào ngày 13/11 vừa qua.

Theo tờ trình của Chính phủ, tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km. Điểm đầu là Ga Ngọc Hồi thuộc huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội; Điểm cuối, đối với tàu khách là Ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, đối với tàu hàng điểm cuối là Ga Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua 20 tỉnh, thành phố với tổng chiều dài khoảng 1.541 km, bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa và 4 depot tàu hàng.

Trên tuyến dự kiến bố trí 5 depot cho tàu khách tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, có 3 depot tàu khách kết hợp xây dựng khu vực sửa chữa lớn tại Ngọc Hồi (Hà Nội); Đà Nẵng và Long Trường (TP. Hồ Chí Minh) và 2 depot tàu khách không bố trí khu vực sửa chữa lớn tại Ga Vinh và Nha Trang.
- Trên tuyến dự kiến sẽ xây dựng 45 cơ sở bảo trì hạ tầng, trong đó có 5 vị trí nằm cùng vị trí với depot.

Với việc bố trí 23 ga hành khách, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 67 km. Đây là cự ly phù hợp với vận tốc thiết kế 350 km/h, phù hợp với điều kiện thực tiễn các địa phương và kinh nghiệm thế giới (với vận tốc nhỏ hơn 250 km/h, cự ly trung bình giữa các ga khoảng 30-50 km; với vận tốc trên 300km/h, cự ly ga khoảng 50-70km).