Chiều 8/12, chương trình làm việc Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An tiếp tục với phiên trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội. Đã có 10 ý kiến đại biểu HĐND tỉnh chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; 7 ý kiến chất vấn Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh. Ngoài ra, tại phiên làm việc, các đại biểu cũng đặt câu hỏi đối với lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh và Sở Y tế.
VẤN ĐỀ CHẤT VẤN MANG TÍNH THỜI SỰ ĐƯỢC CỬ TRI QUAN TÂM
Kết luận phiên làm việc, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, qua chất vấn cho thấy HĐND tỉnh lựa chọn vấn đề rất chính xác, rất thời sự, được các đại biểu và cử tri quan tâm. Điều đó thể hiện ở 10 ý kiến chất vấn đối với vấn đề quản lý, khai thác khoáng sản và 7 ý kiến chất vấn liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
"Tôi thấy việc chất vấn và trả lời chất vấn rất đúng trọng tâm chúng ta đặt ra và vấn đề chúng ta chọn. Đó là thẳng thắn, trách nhiệm. Nhưng điều quan trọng hơn là, qua chất vấn, chúng ta nhận diện vấn đề rộng hơn; nhiều kết quả chúng ta thực hiện được, bên cạnh đó vẫn có nhiều tồn tại, bất cập hạn chế, về công tác quản lý nhà nước trên hai lĩnh vực này" - Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
KHÔNG DUNG TÚNG, BAO CHE HÀNH VI KHAI THÁC KHOÁNG SẢN TRÁI PHÉPKhoáng sản đá trắng khai thác trái phép trên núi Phá Cụm, xã Châu Lộc bị Công an tỉnh bắt quả tang dịp tháng 7/2021. Ảnh tư liệu: NPV
Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng, đối với công tác quản lý, khai thác khoáng sản vẫn còn rất nhiều bất cập, hạn chế, tồn tại. Đó là chất lượng thăm dò trữ lượng khoáng sản cho phép vẫn còn yếu; việc quản lý ranh giới, quản lý trữ lượng khai thác, vấn đề khai thác trái phép, thất thu thuế, tác động đến môi trường, tác động đến hạ tầng, làm phiền và tác động đến nhân dân sống xung quanh khu vực khai thác vẫn là vấn đề cần quan tâm. Điều đó đòi hỏi tỉnh phải vào cuộc quyết liệt hơn, hành động mạnh mẽ hơn. Đồng chí nhấn mạnh: "Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh, các ngành, các cấp liên quan thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, kiên quyết, quyết liệt, không dung túng bao che đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép, không đúng quy định, không đúng giấy phép được cấp, làm hỏng hạ tầng, không đảm bảo quy định về môi trường".
Nghệ An chúng ta tự hào là vùng địa linh nhân kiệt, chúng ta cùng với các cử tri có trách nhiệm bảo vệ vùng đất này. Khai khác tài nguyên khoáng sản phải hợp lý, đảm bảo phục vụ cho sự phát triển nhưng phải bền vững để lại cho con cháu sau này.
TÍCH CỰC TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG
Về vấn đề thực hiện chính sách cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như việc giải quyết việc làm trong điều kiện dịch bệnh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cho rằng tỉnh đã rất chủ động, nhưng thực tế cho thấy Nghệ An là tỉnh rất đông người. Lao động trong độ tuổi của tỉnh có đến 1,9 triệu người; trong đợt vừa qua có rất đông lao động từ các tỉnh trở về quê tránh dịch.
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường
Trong bối cảnh nguồn ngân sách của tỉnh có hạn, chắc chắn rằng không thể trong cùng một lúc có thể giải quyết hết mong muốn của cử tri và người dân. Người đứng đầu Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh, các sở, ngành, các cấp liên quan quan tâm thực hiện tốt vấn đề này. Ít ra Trung ương quy định thế nào thì tỉnh đảm bảo thực hiện như thế. Ngoài ra cần nghiên cứu để cụ thể hóa các nhóm đối tượng cho phù hợp với đặc thù của tỉnh Nghệ An. Và trong điều kiện hạn chế về nguồn lực, Nghệ An cần tính đến việc tăng cường xã hội hóa để hỗ trợ cho người lao động, hỗ trợ người dân. Lãnh đạo tỉnh cũng rất mong sự chia sẻ của người dân, cử tri và người lao động về quá trình điều hành, lãnh đạo của các cấp về vấn đề này.
Người lao động từ các tỉnh miền Nam trở về quê tránh dịch. Ảnh: Tiến Đông
Bên cạnh đó, đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh, đã có chính sách rồi thì phải đảm bảo thủ tục nhanh, gọn, khả thi. Điều này rất quan trọng, không để cho người dân, cử tri, người lao động phải vất vả đi lại nhiều lần, tốn công sức. Vì vậy đòi hỏi trách nhiệm của các cấp chính quyền, cái tâm của người thực hiện chính sách; đã hướng dẫn cho người dân thì phải đảm bảo thông suốt; khi làm thì phải nắm chắc chủ trương, chính sách, hướng dẫn một lần cho chính xác để người lao động và cử tri được hưởng chính sách một cách kịp thời.
Bên cạnh việc ghi nhận những giải pháp giải quyết việc làm do Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh trình bày tại phiên trả lời chất vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, khu vực nông nghiệp của tỉnh vẫn còn dư địa. Trong số gần 100 nghìn người lao động từ các tỉnh trở về địa phương sau các đợt dịch Covid-19 thì có khoảng 76.000 lao động trong độ tuổi, cộng với số lao động tại chỗ ở các địa phương sẽ là nguồn lực khá dồi dào.
Chính vì vậy Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, khi còn dư địa ở khu vực nông nghiệp thì sẽ phải cố gắng, nỗ lực để làm bệ đỡ, trụ đỡ cho nền kinh tế. Chủ tịch HĐND tỉnh cho hay, tốc độ tăng trưởng ở khu vực nông nghiệp của Nghệ An đạt 5,59% theo đánh giá Tổng cục Thống kê. Vì thế trong bối cảnh lao động trở về, các địa phương phải tập trung phát huy dư địa, tạo thêm việc làm ở khu vực này.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường
Về vấn đề giải quyết việc làm trong khu vực công nghiệp, đồng ý với kiến giải của Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh là kết hợp “3 nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường (đào tạo), Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải làm thế nào mà đào tạo ra phải giải quyết được việc làm, đảm bảo cung - cầu lao động.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận: Cùng với việc chỉ đạo để thực hiện sau chất vấn về 2 nội dung liên quan, UBND tỉnh và các sở, ngành cần chỉ đạo, giải quyết ý kiến cử tri đã được tổng hợp tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; các ý kiến, phản ánh của cử tri qua đường dây nóng trong kỳ họp và sau kỳ họp tại các cuộc tiếp xúc cử tri với phương châm: Rõ địa chỉ, rõ ngành, rõ người chịu trách nhiệm giải quyết, rõ tiến độ thời gian; sau đó có báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để báo cáo tại kỳ họp được tổ chức giữa năm 2022.
Đào Tuấn