Chiều 8/12, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì kỳ họp.

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII...

bna-2863-01-657.jpg

Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8/12. Ảnh: Phạm Bằng

Làm rõ quy trình vận hành các hồ đập

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm nội dung “Công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả do thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng của lũ lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ”.

Liên quan đến nội dung này đã 12 có đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi, tập trung trên nhiều nội dung liên quan.

Theo đó, đại biểu Hồ Thị Thùy Trang (đơn vị Hoàng Mai) nêu câu hỏi liên quan đến an toàn đập hồ chứa nước vùng hạ du. Theo quy định tại Nghị định 114 ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định về quản lý an toàn hồ đập chứa nước, bản đồ ngập lũ vùng hạ du phải được xây dựng và phê duyệt.

bna-2612-01-9804.jpg

Đại biểu Hồ Thị Thùy Trang chất vấn về nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn hồ đập. Ảnh: Thành Cường

"Nghị định 114 đã có hiệu lực hơn 4 năm, cử tri mong muốn được biết việc phê duyệt xây dựng bản đồ ngập lụt đã thực hiện đến đâu, việc công bố công khai cho người dân biết như thế nào. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hồ, đập chứa nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đến đâu và thông tin cảnh báo cho người dân vùng ảnh hưởng có kịp thời để người dân chủ động phòng, tránh hay chưa?” - đại biểu nêu câu hỏi.

Còn đại biểu Hồ Văn Đàm (Quỳnh Lưu) hỏi: Thời gian qua các cơ quan, ban ngành đã tổ chức rà soát những nội dung nào để đảm bảo phù hợp quy trình vận hành xả lũ nhằm đảm bảo an toàn hồ, đập.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Moong Văn Tình (Quế Phong) đề nghị làm rõ công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các nhà máy thủy điện trên địa bàn.

bna-2643-01-503.jpg

Đại biểu Moong Văn Tình (Quế Phong) đề nghị làm rõ công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các nhà máy thủy điện. Ảnh: Thành Cường

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết: Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa trên lưu vực sông Cả với kịch bản vỡ đập, mưa lớn và mưa lũ thường xuyên đối với hệ thống đập với 42 kịch bản ở lưu vực sông Cả. Đồng thời đã thực hiện điều tra, khảo sát để phục vụ xây dựng bản đồ ngập lụt hồ Vực Mấu và hồ Sông Sào.

Việc xây dựng bản đồ ngập lụt là rất cần thiết nhưng đây là vấn đề khó, do chưa có kinh phí nên chưa triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt. Các hồ chứa còn lại chưa có kinh phí để thực hiện xây dựng bản đồ. Mặt khác, đây là công việc đòi hỏi áp dụng nhiều biện pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại nên khó khăn trong việc tìm đơn vị tư vấn để thực hiện đảm bảo chất lượng yêu cầu.

Thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các cơ quan Trung ương và đơn vị quản lý sử dụng để xây dựng bản đồ ngập lụt cho một số hồ trọng yếu theo thứ tự ưu tiên.

bna-2651-01-8925.jpg

Đại biểu Hồ Văn Đàm (Quỳnh Lưu) chất vấn về công tác quản lý hồ đập. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến công tác vận hành hệ thống hồ chứa nước thủy lợi và hồ thủy điện, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời:

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay có 1.061 hồ, đập thủy lợi, trong đó có 55 hồ chứa lớn, 220 hồ chứa vừa và 786 hồ chứa nhỏ; các Công ty TNHH Thủy lợi quản lý 101 hồ; các địa phương quản lý 960 hồ (chủ yếu là các hồ chứa nhỏ). Số hồ đã được sửa chữa, nâng cấp từ năm 2000 là 374 hồ; số hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp là 687 hồ (có 70 hồ hư hỏng nặng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn). Có 2 hồ có cửa van và có quy trình vận hành (hồ Vực Mấu và hồ Sông Sào); 1.059 hồ còn lại điều tiết bằng tràn xả lũ tự do.

bna-2638-01-2696--n1.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ trả lời làm rõ các nội dung chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Đối với hồ thuỷ điện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trong 22 hồ thủy điện, có 20 hồ thực hiện quy trình vận hành điều tiết ngày, đêm; 2 hồ vận hành điều tiết nước theo năm là thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Hủa Na. Lâu nay, việc vận hành các hồ đập đang thực hiện theo 2 hình thức là quy trình vận hành đơn hồ chứa và vận hành liên hồ chứa. Đối với vận hành đơn hồ là các chủ đầu tư vận hành độc lập theo quy định".

Ở Nghệ An Quy trình vận hành liên hồ được thực hiện ở trên khu vực sông Cả và khu vực sông Mã. Hai quy trình vận hành này do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó Quy trình vận hành sông Mã chủ yếu thực hiện tại Thủy điện Hủa Na có tác dụng đối với vùng hạ du Thanh Hóa. Còn Quy trình vận hành liên hồ chứa trên khu vực sông Cả có tác dụng đối với hạ du sông Cả (Sông Lam).

bna-2605-01-7760.jpg

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ, quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay được thực hiện chặt chẽ và được kiểm tra giám sát thường xuyên và sự cố về lũ lụt năm nay không do thủy điện xả lũ. 100% hồ đập thủy điện đã lắp đặt trạm đo mưa và hệ thống cảnh báo sớm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ, trên địa bàn tỉnh có 96 trạm đo mưa. Dù vậy số lượng này vẫn chưa đảm bảo yêu cầu, chưa đồng bộ. Thời gian tới, tỉnh sẽ báo cáo cấp trên bố trí kinh phí để xây dựng thêm trạm đo mưa, các thiết bị đo lưu lượng nước đến hồ, lưu lượng xả để công tác phòng, chống thiên tai được đồng bộ dữ liệu.

Cần xây dựng quy chế phối hợp

Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác vận hành quy trình xả lũ, đó là vấn đề dự báo chưa chính xác, hệ thống quan trắc thuỷ văn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc tác động đến dòng chảy đã làm ách tắc, ngập lụt; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và đơn vị quản lý hồ và người dân vùng ảnh hưởng còn chưa chặt chẽ và kịp thời.

bna-2620-01-2392.jpg

Đại biểu Tạ Thị Anh (Yên Thành) chất vấn về các công trình thủy lợi xung yếu. Ảnh: Thành Cường

Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới tỉnh sẽ đề xuất với cấp trên đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc hiện đại nhằm đảm bảo việc dự báo chính xác hơn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ về việc thực hiện quy trình vận hành các hồ chứa đảm bảo lợi ích giữa các bên để đưa ra quyết định linh hoạt, phù hợp với thực tế.

Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan đơn vị liên quan để tổ chức thực thi quy trình vận hành hồ chứa đảm bảo an toàn, hiệu quả cao. Có biện pháp giải quyết triệt để việc lấn chiếm dòng chảy hạ du và xâm canh, xâm cư vùng thượng lưu hồ chứa.

bna-2709-01-1297.jpg

Ông Nguyễn Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương làm rõ thêm nội dung các đại biểu chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Làm rõ thêm nội dung này, Giám đốc Sở Công Thương - Phạm Văn Hóa cho biết: Quy trình vận hành được xem là cẩm nang của toàn bộ công trình thủy điện và tất cả các quy trình thủy điện trên địa bàn tỉnh đều xây dựng quy chế vận hành.

Ở tỉnh Nghệ An có 2 công trình: thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Hủa Na do Bộ Công Thương phê duyệt quy trình vận hành xả lũ, còn lại các công trình khác do tỉnh phê duyệt; tỉnh giao Sở Công Thương làm đầu mối lấy ý kiến tất cả các sở, ngành liên quan để phê duyệt quy chế vận hành xả lũ hồ thủy điện; cơ chế cảnh báo; thời gian cảnh báo đảm bảo công tác phòng, chống bão lụt. Cùng đó là cơ chế giám sát chặt chẽ thường xuyên qua hệ thống cơ sở dữ liệu trực tuyến.

bna-2715-01-5740.jpg

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn làm rõ phản ánh của đại biểu tuyến đường lên chùa Đại Tuệ bị sạt lở gây mất an toàn cho du khách và người dân. Ảnh: Thành Cường

“Hiện nay 22 hồ đập thủy điện thì có 15 hồ có cơ sở dữ liệu truyền trực tiếp về Bộ Công Thương; 2 hồ chứa nhập dữ liệu bán tự động, 5 hồ chứa nhập dữ liệu thủ công. Việc vận hành của hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống dữ liệu và cơ chế chặt chẽ” - ông Hóa khẳng định.

Liên quan đến bản đồ xả lũ vùng hạ du của các nhà máy thuỷ điện, hiện nay tỉnh có 2 bản đồ vùng hạ du sông Mã và sông Cả. Trong đó bản đồ sông Cả đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Tuy nhiên, việc sử dụng bản đồ hiện nay chưa hiệu quả. Tháng 9/2022, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ để phục vụ cho công tác quản lý.

Trả lời vấn đề đại biểu hỏi về việc quản lý hồ đập có ảnh hưởng đến lũ lụt, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, việc xả lũ tuân thủ theo quy trình vận hành. Nghệ An có 22 hồ thủy điện và chỉ có 2 hồ chứa có chức năng tích lũ, cắt lũ là Nhà máy Thủy điện Hủa Na và Nhà máy Thuỷ điện Bản Vẽ. Trong đó, Nhà máy Thuỷ điện Hủa Na cắt lũ cho hạ du sông Mã (Thanh Hoá). Vì thế thực tế chỉ có Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ là thực hiện tích nước, cắt lũ cho địa bàn Nghệ An. Ông Hoá khẳng định, khi một nhà máy thuỷ điện tiến hành xả lũ phải xin lệnh của Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh và trước khi xả lũ phải thông báo trước ít nhất 4h đồng hồ. Giám đốc Sở Công Thương cũng nhấn mạnh: Năm 2022, Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ không xả lũ.

Ông Phạm Văn Hoá cũng làm rõ một số nội dung liên quan đến những băn khoăn của đại biểu về quy hoạch, thiết kế, cao trình hồ chứa của Nhà máy Thủy điện Chi Khê (Con Cuông) và vấn đề sạt lở liên quan đến hồ chứa công trình này.

bna-2657-01-968.jpg

Các đại biểu tham dự phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Chủ động ứng phó với các tình huống

Kết luận phiên chất và trả lời chất vấn, đồng chí Thái Thanh Quý đánh giá: Các đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề; đại diện lãnh đạo các ngành, đơn vị liên quan đã nắm chắc vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề chất vấn, tranh luận của đại biểu.

bna-2575-01-1759.jpg

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh kết luận phiên chất vấn. Ảnh: Thành Cường

Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, Nghệ An là một trong những địa phương chịu tác động thường xuyên, nghiêm trọng của thiên tai, lũ lụt. Thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết, khắc phục.

Số lượng công trình hồ đập thủy lợi bị xuống cấp nhiều, nguy cơ mất an toàn cao. Thiếu các thiết bị quan trắc, thiếu thiết bị dự báo hiện đại; chưa đầy đủ hệ thống giám sát vận hành hồ chứa và hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho hồ đập và vùng hạ du; chưa xây dựng bản đồ ngập lụt; thiếu hệ thống lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu…

Việc vận hành xả lũ tại một số hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn thiếu sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương sở tại, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến vẫn còn tình trạng người dân bị động, không nắm được thông tin. Nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai hạn chế,…

Đồng chí Thái Thanh Quý đề nghị UBND tỉnh cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân về quản lý, vận hành an toàn đập, hồ chứa nước, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, với quan điểm “an toàn tính mạng và bảo vệ tài sản của Nhân dân là trên hết, trước hết”. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, lũ và việc vận hành hồ chứa, liên hồ chứa để chỉ đạo phòng, chống lũ lụt và xử lý các tình huống bất thường có ảnh hưởng đến an toàn hạ du.

Cùng đó, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa, lũ hàng năm. Tổ chức diễn tập, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp.

Xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống thiên tai của địa phương; kiểm tra, rà soát phương án ứng phó với thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ”, nhất là phương án đảm bảo an toàn hồ đập; tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai.

Đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ. Cần phải rà soát để sớm có phương án di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở trên toàn tỉnh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai.

Thanh Lê