Chậm, vướng do... mới?

4 địa phương Đoàn giám sát của Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” (Đoàn giám sát của Quốc hội về quy hoạch) làm việc trong tuần này đều lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 chậm so với thời hạn được các Nghị quyết của Chính phủ xác định. TP. Hà Nội mới được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; TP. Hồ Chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tỉnh Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập quy hoạch; tỉnh Đồng Nai đang triển khai lập quy hoạch.

20220313062634giam-sat--n1.jpg Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc Ảnh: Lâm Hiển

Nguyên nhân của sự chậm trễ này cũng được đại diện lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh báo cáo trực tiếp tại cuộc làm việc của Đoàn giám sát, hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương thể hiện trong báo cáo bằng văn bản. Trong đó, nguyên nhân chung được chỉ ra là quy hoạch cho thời kỳ này là loại hình quy hoạch mới (quy hoạch tích hợp), có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế.

Đối với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện song song công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố được thực hiện theo Luật Quy hoạch đô thị mà vẫn bảo đảm tính đồng bộ và tương thích là một thách thức lớn. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, việc thực hiện hai công tác nêu trên đều phải sử dụng vốn đầu tư công, tiến hành đầy đủ quy trình theo quy định sử dụng nguồn vốn này dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài. Nghị quyết số 119/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 và theo quy định về pháp luật quy hoạch đã cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành để linh hoạt, đẩy nhanh tiến độ. Nhưng, do Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Luật Quy hoạch đều thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, nên đều không áp dụng được nội dung này.

Báo cáo của TP. Hà Nội cũng cho thấy, giữa năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về việc tham gia ý kiến về một số kiến nghị của TP. Hà Nội, trong đó thống nhất với đề xuất của thành phố về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô song song với việc lập Quy hoạch thành phố, góp phần tháo gỡ phần nào vướng mắc cho địa phương.

Cũng có một số khó khăn, vướng mắc trong triển khai lập quy hoạch địa phương theo quy định của Luật Quy hoạch như các địa phương khác, nhất là do Luật Quy hoạch được ban hành nhưng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn luật chậm ban hành. Điều này khiến các tỉnh, thành phố nói chung, trong đó có TP. Hồ Chí Minh đều gặp khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục, hồ sơ, định mức chi phí, yêu cầu về nội dung… cho các công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch, lựa chọn tư vấn. Trước thực tế này, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, UBND thành phố đã đôn đốc, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố có văn bản xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, đã nhận được văn bản phúc đáp hướng dẫn việc lập quy hoạch thành phố trên cơ sở nghị định, thông tư đã được ban hành.

Tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ thực tiễn

Một khó khăn trong lập quy hoạch cấp tỉnh được các địa phương phản ánh với Đoàn giám sát tại các cuộc làm việc là đa số các quy hoạch cấp quốc gia là căn cứ quan trọng để lập quy hoạch cho địa phương chưa được cấp thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt. Mặc dù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 751/2019 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch đã tháo gỡ cho các địa phương, khi cho phép lập đồng thời các quy hoạch mà không phải đợi quy hoạch cao hơn được phê duyệt hoặc quyết định. Song, với các địa phương có tỷ trọng đóng góp lớn cho kinh tế đất nước vẫn có một số lúng túng nhất định.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho rằng, chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp, quá độ giữa lập quy hoạch theo tư duy cũ và tư duy mới theo quy định của Luật Quy hoạch, nên “phương thức lập quy hoạch song song theo Nghị quyết số 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phù hợp”. Dù vậy, ông Cao Tiến Dũng đề nghị, khi trình quy hoạch tỉnh để các bộ, ngành liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định thì cần có sự góp ý thật kỹ từ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, nhất là những góp ý để quy hoạch tỉnh có thể tích hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. Sự góp ý kỹ của các bộ, ngành, theo ông Cao Tiến Dũng, sẽ giúp các tỉnh, thành phố chỉ cần sửa quy hoạch cấp tỉnh "ít lần, gọn gàng, không phải sửa chữa nhiều lần".

Một khó khăn khác được nhiều địa phương phản ánh là việc ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo pháp luật chuyên ngành chưa có sự đồng bộ, thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch và nguyên tắc xây dựng các luật sửa đổi một số điều có liên quan đến quy hoạch đã được Quốc hội thông qua, gây khó khăn cho địa phương trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch tỉnh. Bởi, thực tế, dù sau khi Luật Quy hoạch được ban hành, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành hai đạo luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, song vẫn chưa tháo hết những điểm chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật.

Lý giải cụ thể về vướng mắc này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, từ góc nhìn "quy nạp" của quy hoạch đô thị và nông thôn trong hệ thống quốc gia sẽ cho thấy mối liên hệ liền mạch ở cả đạo luật, là Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Xây dựng. Quy hoạch cấp quốc gia điều chỉnh bởi Luật Quy hoạch, trong khi quy hoạch đô thị quy chiếu bởi Luật Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn có hệ quy chiếu bởi Luật Xây dựng. Như vậy, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng là những luật "ngang cấp", song vấn đề ở đây là hiện chưa đánh giá tác động của ba luật ngang cấp này, qua đó xác định phương án sửa đổi, bổ sung luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, toàn diện.

Cũng theo ông Dương Đức Tuấn, trong hệ thống các quy hoạch cấp quốc gia đã xác định có cả quy hoạch đô thị, nông thôn, nhưng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật lại xác định là quy hoạch xây dựng vùng huyện lại là kỹ thuật chuyên ngành, trong khi quy hoạch nông thôn thực chất lại quy hoạch cấp dưới của quy hoạch xây dựng vùng huyện. Hơn nữa, quy hoạch chung xây dựng xã và quy hoạch điểm dân cư nông thôn chính là quy hoạch nông thôn, mà quy hoạch này cũng là quy hoạch cấp dưới của quy hoạch xây dựng vùng huyện. Quy hoạch xây dựng vùng huyện được luật mới xác định là quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, song theo quy định của Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng lại thuộc quy hoạch quốc gia. Trước sự mâu thuẫn giữa một số luật hiện hành, ông Dương Đức Tuấn đặt câu hỏi: Để hóa giải khái niệm "quy hoạch tích hợp" tại Luật Quy hoạch thì có nên "tích hợp luật pháp" trước không?

Trong báo cáo của UBND thành phố Hồ Chí Minh và hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng nêu ra một số vướng mắc khác do sự chưa thống nhất giữa các luật liên quan, văn bản hướng dẫn thi hành với Luật Quy hoạch. Những kiến nghị sửa đổi pháp luật cụ thể được 4 địa phương đưa ra với Đoàn giám sát của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải - Trưởng đoàn giám sát, nêu rõ, đây sẽ là những căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp tới. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở, các địa phương cần căn cứ vào ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn giám sát và thực tiễn, tiếp tục rà soát, báo cáo, đánh giá kỹ hơn các bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch, kiến nghị sửa đổi Luật Quy hoạch, các luật liên quan nếu có và các văn bản hướng dẫn hoạt động quy hoạch. Cùng với đó, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương và ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, các bộ, ngành cần tiến hành rà soát, đánh giá kỹ hơn những bất cập trong công tác quy hoạch, kiến nghị sửa đổi Luật Quy hoạch, các luật liên quan nếu có, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch.