cau-chuyen-tuyen-quang-2056581--n1.jpg

Vậy là lại được đến với xứ Tuyên rồi! Một miền đất biết bao dấu ấn lịch sử đã được ghi vào những trang sách giáo khoa. Một miền đất đậm nét thiên nhiên hoang sơ, rừng núi hoà quyện mặt nước hồ trong xanh, những đỉnh núi treo lơ lửng trên bầu trời mờ ảo như bức tranh thủy mặc. Một miền đất mang đến cho khách lạ bao nỗi cảm xúc về bản sắc văn hóa các dân tộc cùng tựa lưng sống chan hòa bên nhau bao đời nay. Đẹp và quá nhiều cảm xúc!

Tuyên Quang nổi tiếng với điệu hát “then” của bà con dân tộc Tày. Cũng đã từng nghe một vài làn điệu then trên chiếc thuyền độc mộc lướt trên mặt hồ lung linh, bảng lảng, nhưng giờ mới biết “then” là “thiên”, là “trời”. “Then” được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại. Thông qua những quan niệm về Mường Trời (nơi cư ngụ của các thần linh), Mường Đất (nơi cư ngụ của con người), Mường Nước (nơi cư ngụ của Long Vương...), người Tày giải thích về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên cũng như bày tỏ ước vọng về chỗ dựa tinh thần, tạo dựng niềm tin để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống.

cau-chuyen-tuyen-quang-191710_567.jpg

Đúng rồi, có phải vậy chăng, mà người Tuyên Quang luôn có một tình yêu thiên nhiên sâu thẩm, như đã thấm vào máu thịt. Đúng rồi, có phải vậy chăng, mà người xứ Tuyên đã quyết tâm giữ gìn màu xanh của rừng núi chiếm hơn 76 phần trăm diện tích tự nhiên. Đúng rồi, có phải vậy chăng trong định hướng phát triển, hệ sinh thái tự nhiên, nông nghiệp tự nhiên được xem là sẽ tạo ra sự khác biệt nơi đây. Đúng rồi, có phải vậy chăng mà đứng góc nào ở Lâm Bình cũng thấy ngút ngàn rừng núi. Không hiết ai đã khéo đặt cho cái tên Lâm Bình, một vùng rừng núi bình yên, bao đời che chở cho sự sống của con người nơi đây từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Trong tiến trình phát triển, địa phương nào cũng muốn bứt phá vượt lên nằm ở nhóm đầu. Điều đó không có gì lạ, vì đó là khát vọng, là trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo. Tuy nhiên, đây đó không khó nhìn thấy sự đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, thậm chí lãng quên luôn bản sắc văn hoá ngàn đời. Hãy ngồi với người Tuyên Quang sẽ thấy quyết tâm không đi vào vết xe đổ của nơi này nơi khác. Hãy cám ơn bao thế hệ người Tuyên Quang để hôm nay chúng ta còn một báu vật, lòng hồ Lâm Bình - Na Hang, là khu bảo tồn thiên nhiên, với những chủng loài tự nhiên quý hiếm không nơi nào có được.

cau-chuyen-tuyen-quang-191752_149.jpg

Và hôm nay, người Tuyên Quang tự hào đã biến “Vịnh Hạ Long xứ Tuyên” trở thành sự khác biệt và rồi sẽ làm giàu dựa trên sự khác biệt đó. Những nếp nhà sàn của bà con dân tộc trở thành những cộng đồng làm du lich trải nghiệm thật đơn sơ nhưng ẩn bên trong là những con người biết vượt lên chính mình tìm đến cái mới mẽ. Bà con là nông dân bao đời gắn sinh kế của mình với cây củi trên rừng, với thửa ruộng lúa nước, với nương ngô, với con tôm cá lòng hồ, khe suối. Giờ đây cũng chính những con người ấy đã trở thành chủ nhân của loại hình du lịch mới lạ đầy tiềm năng. Tự tin lắm, hồn nhiên lắm.

Cũng nếp nhà đó, mảnh vườn đó, liếp rau đó, bờ ao đó, bà con đã biến thành những khung cảnh yên bình, dung dị để làm du lịch cộng đồng. Bà con cùng nhau biến những sản phẩm đậm chất văn hoá dân gian, ngành nghề truyền thống bằng đôi bàn tay tài hoa, bằng niềm tự hào với làng quê của mình để giới thiệu cho khách đường xa.

Trên con đường phát triển, con người thường có thiên hướng tìm kiếm những điều lớn lao ở mãi tận đâu mà quên những điều hay, thậm chí là đặc sắc,“Bụt nhà thường không thiêng” là vậy. Nhưng người Tuyên Quang không là vậy, không rơi vào cảnh “chim đậu không bắt mà đi bắt chim bay”. Người Lâm Bình trân quý từng sản vật quanh nhà. Người Na Hang biết chăm chút nét đẹp từng chum rượu ngô thơm lừng. Cam sành Hàm Yên có vị ngọt tự nhiên. Hương vị cốm thoảng thơm từ ruộng nếp Chiêm Hoá. Hình như với người nơi đây, thiên nhiên hoàn toàn không vô tri vô giác, mà có hơi thở riêng, có cuộc sống riêng, có tiếng nói riêng. Chỉ những người thật sự sống hết mình với quê hương của mình mới cảm thụ được vẻ đẹp và sự sống của bầu trời, mặt đất, mặt nước quanh mình. Người Tuyên Quang là vậy.

cau-chuyen-tuyen-quang-191815_413.jpg

Từ ba yếu tố “Thiên, Địa, Nhân”, người Tuyên Quang đã biết tạo ra những giá trị mới. Mà ở miền đất đáng yêu này, yếu tố con người đã thật sự trở thành động lực, nguồn lực, xung lực, tạo bước đột phá mạnh mẽ cho Tuyên Quang. Người nơi đây đã hiểu thế nào là giá trị của sự hợp tác, thấm đẫm triết lý “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Bà con cùng nhau làm du lịch. Bà con cùng nhau khôi phục làng nghề truyền thống. Bà con cùng nhau tham gia hợp tác xã để biến những mảnh đất nhỏ lẽ thành mảnh đất lớn hơn, làm ra giá trị cao hơn.

Hôm tiếp xúc với bà con, ai đó ước ao sẽ có những “Làng hạnh phúc” ở Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên và những miền quê khác trên khắp mảnh đất Tuyên Quang này. Hình như đã có bóng dáng của những ngôi làng đó ngay hôm nay rồi. Hạnh phúc đâu có gì cao xa vời vợi, hạnh phúc chung quanh mỗi người, mỗi nhà. Hạnh phúc là biết trả ơn quá khứ, biết ơn thiên nhiên, chắt chiu những gì trong hiện tại để biến thành những giá trị làm giàu cho thế hệ hôm nay và đê dành cho thế hệ mai sau. Hạnh phúc là biết tôn trọng nhau, yêu thương nhau, biết cho đi, biết nghĩ cho mọi người chứ không chỉ biết nghĩ cho riêng mình.

cau-chuyen-tuyen-quang-191858_759.jpg

Người Tuyên Quang đã nhìn thấy những giá trị dưới chân mình và đang hoạch định chiến lược phát triển kinh tế dưới tán rừng. Từ những tán rừng nguyên sơ, ngành dược liệu tự nhiên sẽ là giá trị mới. Từng những sinh cảnh tuyệt đẹp, ngành du lịch, giáo dục tình yêu thiên nhiên, sẽ thu hút du khách tìm đến trải nghiệm. Người Tuyên Quang bắt đầu hành trình đi đến khá giả bằng cách nghĩ mới, cách làm mới, bằng tri thức bản địa.

“Hạnh phúc có nơi đây đâu là chuyện bất ngờ. Cũng như em khôn lớn em từng yêu tiếng ru. Cũng như em biết hát cho đời xanh mơ ước. Cũng như em biết hát cho đời còn ước mơ”. Ước mơ Tuyên Quang! Giấc mơ người xứ Tuyên!

cau-chuyen-tuyen-quang-191940_498.jpg
Nội dung: Bộ trưởng Lê Minh Hoan Thiết kế: Trọng Toàn Ảnh: Đào Thanh