Câu chuyện nuôi biển
Nuôi biển, từ một ngành nghề truyền thống, gắn với sinh kế của hàng triệu bà con ven biển, nay đã trở thành một quyết sách quốc gia. Bắt tay triển khai bất cứ một chương trình nào, dù lớn dù nhỏ, cần hiểu thấu đáo về ý nghĩa, mục tiêu. Càng tường tận giá trị cốt lõi, càng hành động quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, chỉn chu hơn. Vậy, Đề án “Nuôi biển” hướng đến điều gì?
Về mục tiêu tổng thể, phát triển nuôi biển cần trở thành một “ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp, đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái; tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu; giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển; góp phần tham gia bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển đảo của Tổ quốc”.
Diễn giải một cách chi tiết, mục tiêu đầu tiên của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là góp phần cụ thể hoá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố ven biển: “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng”.
Tài nguyên biển, trữ lượng các loài thuỷ sinh, do nhiều nguyên nhân, đã dần suy giảm, trong khi dân số ngày càng tăng nhanh. Khúc hát “biển khơi tôm cá đầy khoang” dần trôi về quá khứ. Khi tài nguyên trở nên khan hiếm, mất cân bằng giữa tái tạo, phục hồi tài nguyên và nhu cầu chưa bao giờ có điểm dừng, lại càng kích thích con người đẩy mạnh khai thác, từ cách thức thô sơ, đơn lẻ, cho đến dùng mọi cách thức tận diệt. Vì tận diệt, nên tài nguyên lại càng khan hiếm.
Một vòng lẩn quẩn kéo theo biết bao hệ luỵ, vừa làm suy kiệt, vừa làm mất đi tính đa dạng sinh học của biển.
Như vậy, tăng “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là giải pháp nhằm cân bằng giữa nhu cầu của con người và giữ gìn tài nguyên biển, phát triển bền vững. Bền vững, đơn giản là, không đánh đổi nhu cầu sinh tồn của thế hệ hôm nay với nguồn sống của thế hệ mai sau.
Tăng “nuôi trồng thủy sản trên biển” giúp giảm áp lực khai thác, hình thành ngành thuỷ sản “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”, có kiểm soát, được quản lý, theo khuyến nghị của quốc tế, để tạo dựng hình ảnh quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề có tính toàn cầu. Như vậy, “nuôi biển”, về mặt nào đó, chính là nuôi dưỡng đại dương, nuôi dưỡng con người.
Mục tiêu thứ hai của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là giải quyết những vấn đề xã hội, tạo ra sinh kế, cơ hội việc làm cho những người trực tiếp lẫn gián tiếp tham gia “nuôi biển”, sinh sống, gắn bó mật thiết với biển.
Khi chủ trương “giảm khai thác” được triển khai, thì đồng nghĩa với việc một số lượng ngư dân tham gia đánh bắt trên biển và lực lượng hậu cần trên bờ sẽ mất đi việc làm và sinh kế.
Đó chính là đối tượng cần được chuyển đổi nghề nghiệp, tham gia vào ngành nuôi trồng trên biển và ven biển. Như vậy, “Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng” là quá trình cấu trúc lại không gian kinh tế biển, song song với yêu cầu cấu trúc lại lực lượng lao động, tổ chức lại ngành nghề, đào tạo lực lượng lao động chuyên nghiệp, phù hợp từng cấp độ chuyên môn trong chuỗi giá trị ngành nghề thủy sản.
Mục tiêu thứ ba của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là tháo gỡ những xung đột lợi ích trong không gian biển. Thực trạng ngành nuôi biển tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát đang tạo ra xung đột giữa nuôi trồng và sự biến dạng tài nguyên tự nhiên. Những rạn san hô và những giống loài tự nhiên khác trong lòng đại dương khác bị tổn thương hiện nay có thể là một dẫn chứng.
Ngoài ra, còn có sự xung đột lợi ích giữa những người nuôi biển với nhau và giữa cộng đồng nuôi biển với cộng đồng dân cư ven biển do tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hệ quả là xảy ra xung đột giữa ngành nuôi biển và phát triển du lịch biển vốn là thế mạnh của các địa phương ven biển: “Thủy sản đi đến đâu, du lịch lùi tới đó”, hoặc ngược lại. Nói cách khác, ngành “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” cần trao cơ hội cho cộng đồng này, đồng thời, không tước mất cơ hội của cộng đồng khác. Tất cùng phát triển, tất cả cùng thắng!
Mục tiêu thứ tư của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là tạo ra một phân ngành kinh tế biển tổng hợp hướng tới giá trị cao hơn nhờ ứng dụng những giải pháp công nghệ nuôi biển hiện đại, bắt kịp ngành nuôi biển của các quốc gia trên thế giới.
Nuôi trồng chỉ là một công đoạn trong chuỗi giá trị ngành hàng nuôi trồng thuỷ sản trên biển. Chuỗi giá trị đó bao gồm giống, công nghệ nuôi trồng, kiểm soát dịch bệnh, dinh dưỡng, thu hoạch, bảo quản chế biến, logistics, ứng dụng công nghệ số,…
Tạo ra giá trị gia tăng trong từng công đoạn sẽ tạo giá trị gia tăng trong toàn chuỗi giá trị ngành hàng. Chuỗi giá trị đó có tính bao trùm trên không gian biển và cả không gian trên bờ gắn với biển.
Mục tiêu thứ năm của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” là chuyển từ tư duy sản xuất nuôi trồng sang tư duy kinh tế, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng dựa trên tích hợp đa giá trị từ tài nguyên biển.
Khi tổ chức lại không gian biển sẽ bảo đảm sự hài hoà giữa khai thác và nuôi trồng, giữa nuôi trồng và chế biến, giữa phát triển thuỷ sản và phát triển du lịch biển. Khi tổ chức lại không gian biển sẽ tạo ra thương hiệu cho những dòng sản phẩm từ biển. Khi tổ chức lại không gian biển sẽ tạo ra sự hài hoà giữa biển và bờ.
Với các mục tiêu của “nuôi trồng thuỷ sản trên biển” như trên, câu chuyện nuôi trồng không chỉ là giải pháp công nghệ, giải pháp về vốn, giải pháp thị trường, mà còn cả giải pháp tổ chức lại ngành hàng. Không gian biển chỉ hài hoà khi tinh thần hợp tác, liên kết, lấy con người làm trung tâm trở thành cách tiếp cận chủ đạo, xuyên suốt.
Không gian biển chỉ hài hoà khi có sự tham gia có trách nhiệm của hệ sinh thái ngành hàng nuôi biển. Hệ sinh thái đó có sự nối kết giữa cơ quan quản lý chuyên ngành trung ương, lãnh đạo địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, các viện trường, đối tác, chuyên gia quốc tế và các tổ chức nghề nghiệp của người dân nuôi biển.
“Biển cho ta cá như lòng mẹ. Nuôi lớn đời ta tự buổi nào". Biển bao đời hào sảng, bao dung. Biển nuôi nguồn sống cho chúng ta. Chúng ta “nuôi biển” vì nguồn sống của thế hệ mai sau. Ngành thuỷ sản, dù khai thác hay nuôi trồng, cần được tổ chức lại sản xuất theo tư duy hợp tác - liên kết.
Đó là việc làm đầu tiên, là cam kết bền vững của một ngành hàng. Tổ chức liên kết chặt chẽ sẽ xoá đi “lời nguyền” manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Tổ chức liên kết chặt chẽ là điều kiện để chuyển giao khoa học công nghệ, quản lý vùng nuôi bằng công nghệ số giúp cân bằng sức chịu tải về môi trường. Tổ chức liên kết chặt chẽ là điều kiện để phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm minh bạch, trách nhiệm.
Mỗi khi bắt đầu một hành trình mới thường có lời chúc “Thuận buồm, xuôi gió”. Theo ngữ nghĩa thì câu thành ngữ đó bao gồm: “Thuận và Xuôi” để chỉ sự vận động cùng chiều, “Buồm và Gió” ngụ ý về các mối quan hệ luôn cần sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.
Hệ sinh thái biển muốn bền vững cần “hệ sinh thái những người tham gia nuôi biển” phối hợp hành động cùng chiều và hợp tác với nhau. Hành trình hiện thực hoá chủ trương “nuôi biển” cũng cần tư duy như vậy!
Nội dung:Lê Minh Hoan
Thiết kế:Trương Khánh Thiện
Ảnh:Tùng Đinh - Lê Hoàng Vũ - Kim Sơ