Đó là những điểm nhấn trong công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp của Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ.

Thẩm tra trước một bước

Trước ngày khai mạc kỳ họp khoảng 5 ngày, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp với UBND thành phố, các sở có tham mưu nội dung trình HĐND, rà soát lại các nội dung trình kỳ họp, qua thẩm tra của các Ban HĐND, nội dung nào chưa đủ cơ sở pháp lý trình HĐND, nội dung nào chưa bảo đảm hồ sơ cần tiếp tục hoàn thiện để trình HĐND tại các kỳ họp tiếp theo… từ đó có sự thống nhất chung. Theo thường trực HĐND thành phố Cần Thơ, nhờ cách làm như vậy nên từ đầu nhiệm kỳ đến nay, một số Tờ trình, dự thảo nghị quyết chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định đã được Thường trực HĐND thống nhất với UBND thành phố dừng lại không thông qua, giúp cho việc ban hành nghị quyết của HĐND chặt chẽ và đúng quy định pháp luật.

dai-bieu-hdnd-thanh-pho-can-tho--1655160644235.jpg
Đại biểu HĐND thành phố Cần Thơ chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Anh Dũng

Thường trực HĐND thành phố sớm có văn bản phân công các Ban của HĐND thành phố theo chức năng, nhiệm vụ thẩm tra các báo cáo, đề án, tờ trình kèm dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Đặc biệt, phân công Văn phòng theo dõi, đôn đốc các cơ quan tham mưu UBND gửi dự thảo nghị quyết đến các Ban để thẩm tra đúng thời gian quy định (chậm nhất 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp). Các Ban HĐND chủ động phối hợp lên lịch thực hiện thẩm tra, mỗi cuộc thẩm tra mời Thường trực HĐND thành phố sắp xếp tham dự, đặc biệt có sự tham dự xuyên suốt của Chủ tịch HĐND thành phố. Các Ban của HĐND thành phố chủ động thu thập thông tin, qua các phiên họp với UBND, các sở, ngành liên quan đến nội dung dự thảo nghị quyết, đặc biệt, thành viên chuyên trách thực hiện thẩm tra trước một bước trước khi tổ chức thẩm tra chính thức.

Chất vấn là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, là công cụ giám sát trực tiếp nhằm tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của HĐND. Tại các kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ dành 1/3 thời gian của kỳ họp cho hoạt động chất vấn (2 buổi). Thường trực HĐND thành phố không lựa chọn nhóm vấn đề để chất vấn mà đại biểu có thể chất vấn tất cả các đối tượng phải trả lời theo luật định. HĐND thành phố ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, được đông đảo nhân dân thành phố đồng tình ủng hộ và được đại biểu đánh giá cao, tạo cơ sở pháp lý cho công tác giám sát hậu chất vấn và trả lời chất vấn, nhất là việc thực hiện “lời hứa” của các ngành chức năng.

Đôn đốc đến khi có kết quả

Để tiếp tục nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả công tác chuẩn bị, tổ chức kỳ họp, theo Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ, việc ban hành kế hoạch tổ chức kỳ họp sớm sẽ giúp chủ động trong công tác chuẩn bị. Thường trực HĐND điều hòa, phối hợp, phân công các Ban của HĐND thẩm tra bảo đảm đúng lĩnh vực phụ trách, tăng cường giám sát, khảo sát để thu thập thông tin thực tiễn liên quan đến nội dung sẽ ban hành nghị quyết. Đối với những chính sách có tầm ảnh hưởng lớn đến số đông, Thường trực HĐND có thể tổ chức khảo sát, TXCT chuyên đề hoặc tổ chức lấy ý kiến của nhà khoa học và các đối tượng chịu sự tác động.

Chương trình kỳ họp phân bổ giảm thời gian đọc tài liệu, nghe báo cáo tại hội trường, tăng thời gian thảo luận, đặc biệt việc thảo luận văn kiện kỳ họp cần được thực hiện đầy đủ. Thường trực HĐND tổ chức cho đại biểu họp thảo luận 2 lần/kỳ họp. Theo đó, trước kỳ họp đại biểu thảo luận văn kiện, trong kỳ họp, bố trí một buổi để đại biểu tiếp tục thảo luận nội dung kỳ họp; Thường trực HĐND gợi ý định hướng cho đại biểu thảo luận, tập trung vào những nội dung có ý kiến khác nhau; Thư ký tổng hợp ý kiến thảo luận, lọc ra các ý kiến khác nhau của một dự thảo nghị quyết, báo cáo tại phiên thảo luận hội trường để đại biểu nắm.

Thường trực HĐND thành phố Cần Thơ nhấn mạnh việc cần nâng cao hơn nữa nhận thức của đại biểu về hoạt động chất vấn. Trong quá trình giám sát, với trách nhiệm của mình, đại biểu thấy những vấn đề bức xúc, những biểu hiện của tinh thần thiếu trách nhiệm trước công việc, thiếu nghiêm túc trong tuân thủ pháp luật... phải yêu cầu các cơ quan báo cáo, giải trình rõ, mổ xẻ những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để cùng UBND và các cơ quan tìm giải pháp khắc phục.

Chủ động chuẩn bị cho hoạt động chất vấn cần từ sớm, đại biểu chuẩn bị kỹ, thu thập đầy đủ thông tin từ hoạt động thực tiễn và nhiều kênh khác nhau. Việc đặt câu hỏi chất vấn, yêu cầu giải trình cần đúng trọng tâm, thiết thực, có căn cứ xác đáng, địa chỉ cụ thể, trách nhiệm rõ ràng, chuẩn bị kỹ các tài liệu liên quan làm cơ sở vững chắc cho việc tranh luận, truy vấn với tinh thần theo đến cùng vấn đề. Đặc biệt, cần tích cực theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan khắc phục các vấn đề tồn tại sau chất vấn, bảo đảm thực hiện đầy đủ nội dung và tiến độ theo yêu cầu. Việc đôn đốc cần được thực hiện bằng nhiều hình thức, bằng văn bản, bằng kiểm tra thực tế và được theo dõi giám sát cho đến khi có kết quả cụ thể. Có như vậy, hoạt động chất vấn mới có hiệu quả thật sự, đáp ứng mong đợi của cử tri cũng như sự quan tâm của đại biểu HĐND.

NGUYỄN NGỌC Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân