bna_quang_canh_hoi_nghi_anh_tg9186897_1852022.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: TG

Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có ông Trần Nhật Minh - đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị liên quan…

Việc tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là nội dung nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, qua đó lắng nghe các ý kiến chuyên gia, từ những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực này để góp ý hoàn chỉnh dự án luật có tính chất chuyên ngành cao.

bna_ba_thai_thi_an_chung_chu_tri_hoi_nghi_chieu_185_anh_tg4906537_1852022.jpg
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: TG

Phát biểu tại hội nghị, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Thái Thị An Chung cho biết, Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 đã tạo hành lang pháp lý toàn diện, phù hợp với thông lệ quốc tế cho quản lý hoạt động, phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam và tạo cơ sở pháp lý cho việc đàm phán, tham gia các hoạt động phối hợp tần số quốc tế.

Các quy định của Luật đi vào cuộc sống đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện.

“Trong thời gian vừa rồi, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, Việt Nam đã gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực này nên đòi hỏi có sự sửa đổi, bổ sung một số điều cho đảm bảo tính đồng bộ, tương thích, phù hợp với thực tiễn”, bà Thái Thị An Chung khẳng định.

bna_dai_bieu_du_hoi_nghi_anh_tg2361207_1852022.jpg
Nhiều đại biểu dự hội nghị đồng tình với quan điểm cho rằng cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện cho tương thích, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Ảnh: TG

Hội nghị đã ghi nhận 8 lượt ý kiến phát biểu, đa số cho biết trong quá trình thực hiện luật tại địa phương cơ bản không có vướng mắc, song nêu một số quy định đã bộc lộ vài hạn chế, bất cập, cần sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các nội dung được nhiều đại biểu dự hội nghị tập trung thảo luận xoay quanh cơ chế đấu giá/thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, thời hạn cấp phép, gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, thủ tục hồ sơ, những vấn đề liên quan đến sử dụng băng tần kết hợp với an ninh quốc phòng…

bna_dai_dien_so_tttt_phat_bieu_anh_tg132305_1852022.jpg
Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông góp ý vào dự thảo luật. Ảnh: TG

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó trưởng đoàn Thái Thị An Chung hứa tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến, gửi các đại biểu Quốc hội trong đoàn để nghiên cứu, làm cơ sở tham gia phát biểu, thảo luận trong kỳ họp tới.