Chiều 4/5, Đoàn Giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở LĐ-TB&XH về công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2015-2020.
BĂN KHOĂN VỀ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NGHỀ
Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nói chung, đào tạo nghề được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, từ việc ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2015-2020 tiếp tục được sắp xếp lại, thực hiện giải thể những cơ sở hoạt động không hiệu quả.
Cơ sở vật chất, thiết bị được tăng cường; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được nâng lên.
Tính đến ngày 31/12/2020, trên địa bàn tỉnh có 62 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (công lập 46 cơ sở, ngoài công lập 16 cơ sở), gồm: 9 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp, 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 18 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp.
Từ năm 2015 - 2020, đã hỗ trợ đầu tư 590.349 triệu đồng, gồm: Ngân sách Nhà nước 439.114 triệu đồng, chiếm 74,37%; nguồn xã hội hóa 151.280 triệu đồng, chiếm 25, 63%; để xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị đào tạo.
Cơ cấu ngành, nghề đào tạo được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động. Quy mô tuyển sinh, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là 88.500 học sinh, sinh viên/năm.
Hoạt động gắn kết giữa giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động được quan tâm đẩy mạnh; kết quả tuyển sinh, chất lượng, hiệu quả đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 55% cuối năm 2014 lên 65% cuối năm 2020 (tăng 11%), trong đó, văn bằng, chứng chỉ đạt 25,3% đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thảo luận tại cuộc làm việc, ý kiến của các thành viên Đoàn Giám sát bày tỏ băn khoăn về chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chất lượng đào tạo nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội. Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn manh mún, dàn trải; cần quan tâm tới công tác phân luồng, tư vấn, định hướng nghề nghiệp; lộ trình tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp,… NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỀ Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi đánh giá cao công tác tham mưu của Sở LĐ- TB&XH cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh cũng như nỗ lực của sở và các ngành trong việc sáp nhập các trung tâm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng lao động của tỉnh, nhiều nghề đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.Qua giám sát tại các cơ sở, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ chia sẻ khó khăn, bất cập, tồn tại hệ thống đào tạo nghề từ đội ngũ giáo viên vừa thừa, vừa thiếu; đặc biệt thiếu nghiêm trọng giáo viên nghề, có trình độ; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động dạy nghề thiếu và lạc hậu nghiêm trọng.
Việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa thật chặt chẽ; chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được thị trường lao động; khả năng tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn,…
Phân tích những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác đào tạo nghề hiện nay, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề xuất Sở LĐ-TB&XH cần tham mưu quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh có giải pháp khắc phục khó khăn, tồn tại để hoạch định chính sách mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới./.