Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, đơn vị, các doanh nghiệp của hai ngành mặc dù đã có sự phối hợp với nhau nhưng chưa thật sự bài bản, dài hạn. Để việc liên kết giữa các doanh nghiệp hàng không và du lịch đạt hiệu quả bền vững, rất cần một “nhạc trưởng” điều phối, dẫn dắt.

Bay nội địa khó có lãi

Phát biểu tại hội thảo: “Hàng không-du lịch “bắt tay” liên kết phát triển bền vững” do Báo Nhân Dân tổ chức chiều 12/6, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giao thông vận tải đánh giá, từ sau thời điểm hoạt động bình thường trở lại (tháng 3/2022), với những giải pháp và sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý, các hãng hàng không Việt Nam đã nỗ lực để phục hồi khai thác. Tuy nhiên, những khó khăn nội tại chưa giải quyết hết vẫn là rào cản lớn khiến các hãng chưa thể trở lại như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Cùng với đó, từ cuối năm 2023, tác động từ chi phí đầu vào gia tăng và biến động quy mô đội tàu bay là nguyên nhân chính gây ra những áp lực lên giá vé máy bay nội địa vào những giai đoạn cao điểm.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng kết quả về tổng thể khai thác thị trường hàng không vẫn ghi nhận sự tăng trưởng về sản lượng hành khách vận chuyển, đặc biệt là vận chuyển hàng không quốc tế. Điều này thật sự là kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy giao thương kết nối cũng như đưa du khách quốc tế đến Việt Nam nhiều hơn. Qua hội thảo, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu phân tích, nhận diện đầy đủ hơn khó khăn, thách thức, cơ hội và đưa ra các giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý, cũng như các doanh nghiệp hàng không-du lịch-lữ hành, nhằm nâng cao hiệu quả kết nối, cùng đồng hành, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.

Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Lê Hồng Hà, ngành hàng không-du lịch vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Trong giai đoạn khó khăn về thiếu hụt máy bay hiện tại, muốn tăng tải chỉ còn cách bay sáng sớm và đêm muộn. “Tuy nhiên, trong hai tháng vừa qua, Vietnam Airlines triển khai tăng tải nhiều chuyến bay đêm nhằm giảm giá vé, nhưng khi đủ tải phải hủy 10% chuyến do không có khách bay vào khung giờ đêm. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường khách chưa sẵn sàng bay khung giờ này bởi khách lo ngại mất thêm chi phí phòng, chưa rõ điểm đến có thuận tiện cho mọi người đi lại không nên không hào hứng, do đó hãng phải hủy nhiều chuyến bay đêm”, ông Hà nêu thực tế.

Từ đó, vị CEO Vietnam Airlines đề nghị các doanh nghiệp du lịch có chính sách giảm giá đêm đầu tiên cho hành khách bay đêm. Hàng không và du lịch cần “bắt tay” nhau thực chất và rõ ràng hơn để thu hút, phát động tạo thị trường mới, thói quen mới, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng này.

Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cũng đồng tình với nhận định trên và cho rằng, chính sách về thời gian nhận, trả phòng của các khách sạn hiện tại đang áp dụng theo khung cứng mà chưa có sự linh hoạt về thời gian. Trong khi đó, việc nhận và trả phòng linh hoạt là một định hình mới trong ngành khách sạn mà các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải thay đổi theo xu thế.

“Giá vé máy bay tăng cao không chỉ làm tổn hại cho ngành hàng không và du lịch, mà còn tác động đến các ngành kinh tế khác, đặc biệt là sinh kế của người dân địa phương. Khi giá vé bay trong nước chỉ thấp hơn chút ít so với giá vé bay đi một số nước trong khu vực, nhiều gia đình sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài. Điều này đồng nghĩa với việc du lịch nội địa bị bóp nghẹt, không phát triển được”, ông Chính nhận xét.

Theo Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam, giá vé chỉ “hạ nhiệt” khi số lượng máy bay tăng lên. Con số đáng lo ngại là hiện nay, đội máy bay nước ta chỉ còn 160 chiếc so với hơn 230 chiếc trước dịch Covid-19. Lượng máy bay đang hoạt động trên thế giới không thiếu, chỉ cần trả giá cao là thuê được ngay. Tuy nhiên, với mặt bằng chi phí hiện nay, áp dụng cơ chế giá trần đã duy trì từ thời bao cấp, bay nội địa để có lãi là không khả thi. Do đó, cần phải tạo động lực cho các hãng hàng không triển khai thuê, mua máy bay.

1-tbt-5-5941.jpg.webp

Các đại biểu phát biểu, thảo luận tại buổi hội thảo. (Ảnh sơn tùng)

Cơ chế nào “sâu rễ, bền gốc”?

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel bản chất hàng không là vận tải công cộng, là ngành vận chuyển tốt nhất, có hàm lượng chất xám cao nhất nên giá vé cao là đương nhiên. Khi hàng không khó khăn, những tác động tiêu cực không chỉ ở lĩnh vực du lịch mà còn ảnh hưởng vận chuyển công cộng. Giá vé bay tăng cao hiện nay không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, bình quân giá vé bay trên thế giới tăng 17-25%, giá vé máy bay ở Việt Nam không cao hơn thế giới, không phải tăng đột biến.

“Xét các yếu tố giảm giá vé của hàng không cho thấy đã đến lúc cần sự vào cuộc của Chính phủ. Chính phủ có Ban Chỉ đạo quốc gia về du lịch, cần ngồi lại với các hãng hàng không, cùng nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách thực sự giúp hàng không giảm chi phí. Hàng không có chi phí rất lớn, công nghệ cao những phần lõi chúng ta không có, toàn bộ các khâu từ check-in (vào) đến check-out (ra) đều phải trả tiền, như vậy có khác gì bay gia công, phụ thuộc hầu hết vào biến động của thị trường”, ông Kỳ bày tỏ.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist cho rằng, nếu không có sự bắt tay của 2 bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của khách hàng, các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng. Hàng không-du lịch cần phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng đường bay mới trên cơ sở có phân tích kỹ nhu cầu của thị trường và cùng cam kết xúc tiến, kinh doanh lâu dài nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác du lịch hai chiều.

Bà Lương Thị Hoàng Lan, Giám đốc kinh doanh Khối Du lịch nghỉ dưỡng (Tập đoàn Sun Group) cho biết, giá vé máy bay trong nước tăng cao khiến xu hướng đi du lịch của du khách thay đổi, không chỉ lượng khách nội địa đi du lịch bằng máy bay suy giảm, mà nhiều người đã lựa chọn đi du lịch nước ngoài như Thái Lan, Hàn Quốc,… vì chi phí vé máy bay rẻ hơn.

Phía Tập đoàn Sun Group kiến nghị địa phương-du lịch-hàng không có sự phối hợp, liên kết thực chất để xây dựng kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Không chỉ hàng không và du lịch có chính sách giá tốt, các địa phương/điểm đến cũng cần đưa ra ưu đãi giá hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng,…) để có chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá hợp lý, bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch,… giúp các bên cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất.

“Tuy nhiên, thực tế chưa có chương trình, sản phẩm nào đạt như mong muốn. Đây cũng là minh chứng về sự thiếu liên kết chặt chẽ giữa địa phương-du lịch-hàng không, không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của các điểm đến trong nước, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các bên và gián tiếp hạn chế khả năng tăng tốc phát triển của ngành du lịch Việt Nam và sự tăng trưởng của nền kinh tế”, bà Lan đánh giá.

Nhằm giảm mặt bằng giá vé, hỗ trợ việc kích thích du lịch, đại diện các hãng hàng không, ngành du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục các chương trình hỗ trợ các hãng bay như: giảm thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay, thuế nhập khẩu nhiên liệu bay; phí hạ cất cánh; giảm lãi suất vay ngân hàng; có các chính sách hỗ trợ về phát triển đội bay; chính sách quản lý giờ cất, hạ cánh, giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa; bỏ quy định về giá trần; địa phương có sân bay có cơ chế, chính sách bù lỗ cho ngành hàng không,...

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nhấn mạnh, du lịch và hàng không giống như “đôi cánh” cùng góp phần phát triển kinh tế. Hiện nay, việc hợp tác giữa hàng không và du lịch hầu hết ở quy mô nhỏ, chưa có cơ chế phối hợp, hợp tác ở quy mô lớn để thực hiện điều phối việc hợp tác, liên kết. Vấn đề hợp tác giữa hai ngành hàng không-du lịch rất cần có bàn tay 1 “nhạc trưởng” điều phối, không chỉ dừng ở mức độ cùng quảng bá, đưa ra các gói khuyến mại mà cần xây dựng kế hoạch tổng thể, quy mô cấp quốc gia và phân kỳ để có tác động dài lâu. Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đại diện cơ quan, đơn vị tại hội thảo sẽ được tiếp thu đầy đủ và kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền, nhằm giúp 2 ngành liên kết hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.

Tại hội thảo, Hãng hàng không Vietnam Airlines và thành phố Đà Nẵng, tỉnh Khánh Hòa đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác kích cầu du lịch nội địa, tăng cường liên kết, thu hút du khách. Vietnam Airlines đã xây dựng cơ chế hợp tác với ngành du lịch địa phương nhằm tạo ra sản phẩm hướng tới khách du lịch nội địa ngay trong cao điểm hè này. Theo thỏa thuận, Vietnam Airlines sẽ cung ứng gần 1 triệu chỗ bay đêm, khởi hành sau 21 giờ và trước 6 giờ hằng ngày trên nhiều đường bay nội địa, với mức giá khuyến mại hấp dẫn. Từ nay đến cuối năm, Vietnam Airlines và các địa phương hợp tác phát động chương trình kích cầu du lịch, hãng triển khai thêm sản phẩm bay giờ sáng sớm và tối muộn với mức giảm lên đến 30% giá vé so với mức giá các chuyến bay vào giờ thông thường.