Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Chưa thống nhất với các quy định khác

Một trong những điểm mới của dự luật lần này là dự thảo luật quy định, lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, dự luật cũng quy định, lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương.

Số tiền trích này được phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng cảnh sát giao thông.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ hơn quy định này để phù hợp với quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

hoangthanhtung-619.jpg?width=0&s=nslK3V92U9TYmp1yI7Az9w
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nếu bổ sung như vậy, Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động, làm rõ tác động đến ngân sách nhà nước thế nào, tính phù hợp với các pháp luật có liên quan thế nào.

Theo ông Tùng, xử phạt vi phạm hành chính là một nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, luật quy định: Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.

“Đầu tư cho lực lượng cảnh sát giao thông, cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Nhưng đầu tư theo cách trích từ tổng số tiền thu được trong lĩnh vực này hay ngân sách Nhà nước bố trí theo quy định chung? Tôi nghĩ chỗ này cần làm rất rõ, rất rành mạch và phải bảo đảm sự thống nhất”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phân tích.

Theo ông Tùng, quy định như dự thảo luật là không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, ông Tùng cũng bày tỏ băn khoăn về việc trích lại “không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương”.

Đây là quy định mới so với dự thảo luật Chính phủ trình tại kỳ họp 6; mới so với Nghị quyết 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe và cũng không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: Toàn bộ số tiền xử lý tài sản công (biển số xe là tài sản công) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc nhà nước; sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại phải được nộp toàn bộ vào Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, khoản 10 Điều 37 của dự luật cũng quy định số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá, chi phí quảng cáo, chi phí quản trị hệ thống đấu giá và chi phí khác được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

“Nếu đưa chính sách trích lại 30% vào Điều 5 cũng không thống nhất trong nội tại dự thảo, không thống nhất với chính sách chung và các luật có liên quan”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói.

Ông đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ thêm theo tinh thần như dự thảo đã trình tại kỳ họp 6.

Hai phương án đấu giá biển số xe

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực ủy ban này nhất trí bổ sung quy định đấu giá biển số xe ô tô vào dự thảo luật.

Cơ quan thẩm tra cho rằng, việc thực hiện thí điểm biển số ô tô thời gian qua có kết quả tích cực, chứng minh tính hiệu quả, khả thi.

Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội thì lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung luật, sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách.

letantoi-1-620.jpeg?width=0&s=3augfYsYCdBgjkAir2oOKg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề xuất 2 phương án để luật hóa nội dung đấu giá biển số xe.

Phương án 1 là bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết số 73 về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh, để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết trên.

Phương án 2 là bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí với phương án 1 và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lựa chọn phương án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thực hiện thí điểm đấu giá biển số xe mới thực hiện được 9 tháng, trong khi thời hạn thí điểm 3 năm mới tổng kết đánh giá (năm 2026).

“Hiện nay chưa tổng kết đánh giá toàn diện mà đã luật hóa thì cần phải xem xét. Hơn nữa theo dự luật, phạm vi áp dụng đấu giá biển số xe còn mở rộng so với thí điểm rất nhiều”, ông Tùng băn khoăn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc này cần thận trọng, làm rõ hơn. Trong trường hợp Chính phủ vẫn đề nghị luật hóa việc đấu giá biển số xe thì phải có tổng kết báo cáo Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đồng tình và cho rằng không nên vội vàng đưa vào luật nội dung này và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 73.