Ngay sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Bình, lãnh đạo xã Phú Xuân và các đơn vị chức năng đã đến nhà tang lễ để thăm hỏi, chia sẻ, động viên, hỗ trợ gia đình trẻ bị nạn; phối hợp với các đơn vị chức năng làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Trường hợp học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón dẫn đến tử vong; học sinh bị rơi xuống đường khi xe đang chạy hay những tai nạn thương tích khi các em đến trường bằng dịch vụ xe đưa đón đã từng xảy ra ở nhiều địa phương. Vì vậy, cần có những giải pháp tổng thể, căn cơ trong việc bảo đảm an toàn cho các em khi đến trường bằng dịch vụ đưa đón.

Dịch vụ đưa đón học sinh đáp ứng nhu cầu của nhiều gia đình không thể đưa đón các em tới trường. Dịch vụ này khá phổ biến ở các địa phương, nhất là ở khu vực thành phố hay địa bàn có các khu công nghiệp, tập trung các gia đình công nhân… Tuy nhiên, dịch vụ đưa đón trẻ đến trường hiện nay có nhiều hình thức, theo kiểu trăm hoa đua nở.

Nhiều trường học phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh, nhưng cũng có nhiều cha mẹ học sinh hoặc nhóm cha mẹ tự thuê xe đưa đón con em mình tới trường, không có sự phối hợp, kết hợp với nhà trường. Có nhiều loại phương tiện thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh, trong đó có nhiều phương tiện cũ nát, không bảo đảm an toàn. Mặt khác, nhân viên tham gia đưa học sinh là cán bộ trường học hoặc lao động phổ thông, thời vụ, không có chuyên môn, kỹ năng làm việc đưa đón học sinh cho nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong quá trình đến trường của các em.

Để bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón đến trường, ngành giáo dục cần phối hợp các ngành chức năng, ban hành các quy định chuẩn về hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh đến trường, trong đó, cần quy định rõ về tiêu chuẩn người tham gia làm nhiệm vụ đưa đón trẻ cũng như nhân viên lái xe tham gia dịch vụ.

Vì vậy, để bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón đến trường, ngành giáo dục cần phối hợp các ngành chức năng, ban hành các quy định chuẩn về hoạt động dịch vụ đưa đón học sinh đến trường, trong đó, cần quy định rõ về tiêu chuẩn người tham gia làm nhiệm vụ đưa đón trẻ cũng như nhân viên lái xe tham gia dịch vụ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải nghiên cứu, xây dựng các bộ quy tắc, tài liệu và thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn người tham gia dịch vụ đưa đón trẻ các kỹ năng, quy trình thực hiện công việc cũng như kỹ năng xử lý các tình huống, sự cố có thể xảy ra trong quá trình đưa đón trẻ đến trường. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng cần phối hợp với ngành giáo dục trong việc xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm quy định, nhất là các phương tiện cũ nát, không bảo đảm an toàn trong việc thực hiện dịch vụ xe đưa đón trẻ đến trường.

Đối với mỗi nhà trường khi thực hiện dịch vụ đưa đón trẻ cần xây dựng quy trình chuẩn, liên thông, rõ ràng giữa các bộ phận, kết nối thường xuyên với giáo viên, cha mẹ học sinh; đồng thời phân công người nắm rõ quy trình, thực hiện nghiêm túc các bước khi tham gia đưa đón trẻ. Đối với mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thông tin và phát hiện sớm những tình huống phát sinh để kịp thời xử lý.

Tránh tình trạng một khâu hoặc một quy trình nào đó bị bỏ qua, làm việc tắc trách, có nguy cơ gây hậu quả khôn lường. Việc tham gia dịch vụ xe đưa đón học sinh tới trường là tự nguyện theo nhu cầu của mỗi gia đình nhưng khi tham gia dịch vụ do trường tổ chức hoặc dịch vụ tự thuê, cha mẹ học sinh cũng cần phối hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện những tình huống rủi ro, ngăn ngừa sự cố đáng tiếc xảy ra.