Phải bảo đảm quản lý đầy đủ, toàn diện

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí “giới hạn” với tài liệu lưu trữ tư theo hướng Luật chỉ điều chỉnh đối với tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt. Bên cạnh đó, một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh với tất cả tài liệu lưu trữ tư nhằm thực hiện định hướng xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ có sự tham gia của khu vực tư.

z4778730771141_8eecaa805ef6b4fdc75c3a53a5caf663.jpg
Quang cảnh phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, nên theo hướng dự án Luật này sẽ điều chỉnh phạm vi với lưu trữ tư một cách toàn diện. Tuy nhiên, ngay cả điều chỉnh như vậy thì trong các quy định cụ thể của dự thảo Luật cũng cần làm rõ hơn mức độ điều chỉnh, phương thức điều chỉnh, nội hàm của quản lý nhà nước đối với lưu trữ tư sao cho phù hợp. Bởi, lưu trữ tư khác với lưu trữ của các cơ quan nhà nước, phải vừa quản lý được nhưng cũng vừa khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, gia đình thực hiện.

Cũng ủng hộ mở rộng phạm vi điều chỉnh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Minh Hiếu cho rằng, giá trị của lưu trữ tư là rất lớn và tại các hộ gia đình vẫn còn rất nhiều tài liệu lưu trữ có giá trị cần phải phát huy, nếu không quy định, không có biện pháp điều chỉnh cụ thể thì sẽ dễ bị thất thoát. Nghiệp vụ lưu trữ là nghiệp vụ kéo dài, tài liệu lưu trữ phải qua thời gian, qua các mốc lịch sử mới cho thấy có giá trị đặc biệt hay không. Vì vậy, nếu phạm vi điều chỉnh chỉ quy định đối với tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt thì khó có thể bảo đảm được quản lý đầy đủ, toàn diện.

Tại Phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, việc dự thảo Luật mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lưu trữ tư nhằm thực hiện định hướng xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ có sự tham gia của khu vực tư, các tổ chức và cá nhân, tạo điều kiện cho Nhà nước có thể sớm phát hiện, vận động các chủ sở hữu tư hiến tặng, ký gửi tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt vào Lưu trữ lịch sử, phù hợp với tình hình thực tế vì nhiều trường hợp chỉ có thể phát hiện được giá trị của tài liệu lưu trữ tư khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ lưu trữ.

Cần luật hóa về lưu trữ ở cấp xã

Các đại biểu cũng cho rằng, các quy định của dự thảo Luật như hiện nay sẽ không khuyến khích được người dân, người có lưu trữ tư đăng kí tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt vào Lưu trữ lịch sử. Dự thảo Luật cũng còn thiếu các quy định mang tính khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, trong biện pháp quản lý cũng làm hạn chế quyền định đoạt của người sở hữu.

Chỉ rõ Điều 51 dự thảo Luật quy định theo hướng khi tài liệu lưu trữ được đưa vào tài liệu đặc biệt thì chỉ được mua bán cho người trong nước và Nhà nước có quyền ưu tiên mua trước, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nhấn mạnh, như vậy phần nào đã làm hạn chế quyền tự định đoạt của chủ sở hữu tài liệu lưu trữ. Do đó, nếu tổ chức cá nhân ưu tiên giá trị kinh tế thì sẽ không quan tâm đến việc đưa tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt vào các Lưu trữ lịch sử.

Từ những phân tích trên, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần có chính sách khuyến khích các gia đình, dòng họ, khu vực lưu trữ tư đăng kí tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt, có giải pháp hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ thủ tục đăng kí, kinh phí, có sự tôn vinh tài liệu… để người dân có động lực thực hiện đăng ký vào Lưu trữ lịch sử. Ngoài ra, đối với các quy định về mua, bán, trao đổi tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt cần được rà soát để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Di sản văn hóa, cũng như phải có hướng dẫn của Chính phủ về trình tự, thủ tục cụ thể.

Bày tỏ trăn trở đối với công tác lưu trữ tại cấp xã, đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) nêu rõ, thực trạng hiện nay ở cấp xã, tất cả hồ sơ, tài liệu, giấy tờ gần như không có một nơi nào để lưu trữ cố định, không có cán bộ lưu trữ và cũng không có cá nhân nào chịu trách nhiệm lưu trữ. Trong khi đó, cấp xã cũng có nhiều giấy tờ, văn bản quan trọng, nhất là liên quan đến hồ sơ về đất đai. Cùng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, thời gian gần đây, hoạt động lưu trữ đã được quan tâm hơn, tương đối đi vào nền nếp. Song, đối với kho lưu trữ của UBND cấp xã còn nhiều bất cập, hầu như ở các xã chỉ có cán bộ xã kiêm nhiệm làm công tác lưu trữ và cũng không được tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ chuyên môn liên quan đến lưu trữ. Để hoạt động lưu trữ đồng bộ, hài hòa từ trung ương đến địa phương, các đại biểu cho rằng, cần nghiên cứu để đưa nội dung về lưu trữ ở cấp xã vào dự thảo Luật.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị rà soát các quy định cụ thể của dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp, khả thi, vừa quản lý được vừa khuyến khích các tổ chức, cá nhân, cộng đồng, các gia đình, dòng họ thực hiện lưu trữ. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong quản lý, khai thác giá trị của tài liệu lưu trữ tư, đăng ký tài liệu lưu trữ, nhất là những tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, hướng đến phát huy giá trị, khai thác để cộng đồng có thể tiếp cận được.