cover-web-1240.png

Lời tòa soạn: Tuy cùng cơ chế, chính sách nhưng rõ ràng địa phương nào dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới hoặc có tập thể, cá nhân lãnh đạo dám vì cái chung mà hành động thì luôn có kết quả tốt trong phát triển kinh tế- xã hội. Những địa phương trong loạt bài này đều đã đạt được những thành quả lớn ở nhiều hay từng lĩnh vực cụ thể.

sapo-127282-1242.png tit1-nandnd-1243.png

Những ngày này, hàng ngàn công nhân của công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam (chuyên sản xuất linh kiện ô tô ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đang hối hả làm việc trong các dây chuyền sản xuất. Không khí làm việc tại đây rất khẩn trương để đáp ứng đủ số lượng đơn hàng.

Yazaki EDS là một trong những doanh nghiệp đã từng phải gồng mình chống chọi trong lần bùng phát đại dịch Covid-19 vừa qua, bị ảnh hưởng nặng nề về hoạt động sản xuất.

Kể từ lần xuất hiện những ca mắc Covid-19 đầu tiên tại công ty từ 7/7/2021, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp buộc phải dừng ngay lập tức.

Để việc cung ứng sản phẩm đến khách hàng không bị gián đoạn, công ty Yazaki bắt đầu thực hiện sản xuất 3 tại chỗ kéo dài hơn 3 tháng, chỉ với nguồn lực trong khoảng gần 20% so với năng lực hiện tại. Thời điểm này, công ty chủ yếu sản xuất cầm chừng nhằm duy trì việc giao hàng đến đối tác trong khả năng có thể.

Ngoài việc phải tăng chi phí sản xuất đặc biệt trong điều kiện giãn cách, công ty còn phải phát sinh nhiều chi phí khác mới đảm bảo được tiến độ hàng hóa.

Lãnh đạo Công ty Yazaki cho hay, thời điểm này, công ty vẫn phải chi trả lương cho hơn 11.000 lao động trong vòng hơn 3 tháng mặc dù công nhân không tham gia sản xuất, với mục đích sau khi đại dịch đi qua công ty vẫn đảm bảo được nguồn nhân lực đủ để đáp ứng nhu cầu mới từ phía khách hàng.

cong-ty-yazaki-1244.jpg
Công nhân của công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam.

Tuy vậy, khi trở lại trạng thái bình thường mới, công ty khôi phục sản xuất một cách nhanh chóng. Đơn hàng từ đối tác liên tục tăng, công nhân lao động có việc làm trở lại, thậm chí có những khâu sản xuất phải tăng ca mới đáp ứng đủ nhu cầu đơn hàng.

Cùng với đó, Yazaki đang tuyển dụng thêm khoảng 1.000 lao động để tăng sản lượng do đơn hàng ngày càng tăng.

Công ty cổ phần Sáng Ban Mai (chuyên sản xuất máy phát điện ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cũng là một doanh nghiệp từng chịu ảnh hưởng lớn do dịch bệnh.

Ông Trần Thành Trọng – Tổng giám đốc công ty cho biết, trong đợt dịch Covid-19 thứ 4, dù công ty đã duy trì sản xuất 3 tại chỗ trong hơn 3 tháng nhờ có sự dự trữ nguyên liệu từ trước nhưng không tiêu thụ được sản phẩm trong thời gian bị phong toả, do vậy doanh thu và lợi nhuận năm 2021 giảm gần 30%.

Phải đến đầu năm 2022, công ty tập trung phục hồi sản xuất, đáp ứng những đơn hàng dang dở năm 2021. Đến tháng 8/2022, doanh thu đã tăng 10% so với cùng kỳ 2021, dự kiến trong thời gian tới doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hoạt động sản xuất, từng bước đạt mức tăng trưởng cao.

binh-duong-luon-chu-trong-phat-trien-he-thong-giao-thong-dong-bo-1245.jpg
Bình Dương luôn chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ. Ảnh: Báo Bình Dương

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, trong 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế - xã hội của Bình Dương tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế 5 tháng đầu năm đã đạt được gần 2,5 tỷ USD, vươn lên đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).

Cụ thể, thu hút đầu tư trong nước đạt 8.047 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng đầu năm đã thu hút được 30.997 tỷ đồng. Thu hút FDI được 151 triệu USD, lũy kế 5 tháng đã thu hút được gần 2,5 tỷ USD, trong đó có những tập đoàn lớn như Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đến nay, Bình Dương có hơn 4.000 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực với tổng vốn trên 38 tỷ USD; trong đó có 29 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích gần 13.000 ha.

Các chỉ số FDI liên tục tăng, phạm vi hoạt động của các cụm khu công nghiệp ngày càng mở rộng đã tạo cho Bình Dương nhiều cơ hội phát triển về kinh tế - xã hội, đồng thời trở thành nơi đến của lao động nhập cư.

tit2-jdjdjd-1246.png

Trao đổi với VietNamNet, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương đã từng phải trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, thử thách, đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất do dịch bệnh.

Tuy vậy, bằng sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân Bình Dương, tỉnh đã vượt qua và đạt được những thành quả thuận lợi.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, dù trong thời điểm khó khăn đó, lãnh đạo tỉnh nhất quán chủ trương vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất một cách an toàn, hiệu quả. Một trong những chính sách thực hiện sản xuất an toàn lúc đó là “3 tại chỗ” trong doanh nghiệp, nhất quyết không để đứt gãy chuỗi sản xuất nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch.

“Thời điểm này, có những quyết định thực sự vô cùng khó khăn với tỉnh Bình Dương, tình thế có thể coi như ngàn cân treo sợi tóc. Tuy nhiên đến lúc này đã có thể khẳng định những quyết định, chính sách đã thực hiện là đúng đắn” – ông Minh chia sẻ.

Ông Minh cho biết thêm, hiện nay Bình Dương luôn quan tâm, chú trọng đến thu hút đầu tư, kể cả thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.

chu-tich-binh-duong-1247.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh.

Để thực hiện việc này, lãnh đạo Bình Dương thường xuyên tổ chức các buổi hội nghị xúc tiến đầu tư, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư vào Bình Dương.

Ngoài việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư ở tỉnh, lãnh đạo Bình Dương còn trực tiếp đến các nước như Canada, Australia, Mỹ,… để gặp gỡ, trao đổi với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư nội địa cũng được Bình Dương chú trọng và quan tâm, hiện đã có những nhà đầu tư lớn trong nước đầu tư vào Bình Dương.

Xuân An - Thiết kế: Phạm Luyện