Đối tượng được hưởng hỗ trợ từ ERPA
Việt Nam là thành viên của Quỹ Đối tác các-bon trong lâm nghiệp (FCPF) từ năm 2008 và đã được FCPF hỗ trợ triển khai Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) tại Việt Nam. Dự án nhằm mục tiêu xây dựng năng lực tổ chức và kỹ thuật cho các cơ quan liên quan ở Trung ương và 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) để chuẩn bị thực hiện REDD+.
Ngày 28/12/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính Vùng Bắc Trung Bộ (sau đây gọi tắt là Nghị định 107/2022/NĐ-CP).
Tiếp đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Lâm nghiệp cũng ban hành nhiều quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 107/2022/NĐ-CP. Ngày 22/2/2024, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 124/KH-UBND triển khai thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) trên địa bàn tỉnh.
Theo Kế hoạch số 124/KH-UBND, các đối tượng trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng tiền chi trả giảm phát thải khí nhà kính gồm: Chủ rừng theo quy định tại Điều 8, Luật Lâm nghiệp được giao quản lý rừng tự nhiên. UBND xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật. Cộng đồng dân cư, UBND xã có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến hoạt động giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Lập danh sách, dự trù kinh phí chi trả
Để đảm bảo thời gian chi trả cho các chủ rừng theo đúng thời gian quy định chậm nhất ngày 31/12/2026, còn rất nhiều bước thủ tục cần phải hoàn thành theo yêu cầu về hồ sơ giải ngân. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện là lập danh sách các đối tượng được hưởng tiền giảm phát thải khí nhà kính. Danh sách này do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, dựa trên căn cứ quyết định công bố diễn biến rừng hàng năm của UBND tỉnh để trình UBND tỉnh phê duyệt.
Để lập danh sách đối tượng hưởng lợi từ nguồn ERPA, chủ rừng là tổ chức cần phải rà soát đối tượng đảm bảo diện tích rừng tự nhiên khoán bảo vệ rừng từ nguồn ERPA không trùng với diện tích khoán bảo vệ rừng có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước và đảm bảo nguyên tắc “hợp lý, không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước”; thực hiện việc ký hợp đồng nguyên tắc giao khoán quản lý bảo vệ rừng đối với cộng đồng dân cư.
Tiếp đó, thực hiện rà soát, thống kê xác định diện tích rừng tự nhiên hiện có của từng chủ rừng để làm cơ sở cho việc lập Kế hoạch tài chính hàng năm (lưu ý làm rõ số diện tích rừng chưa được ngân sách hỗ trợ hoặc hỗ trợ chưa đủ).
Để thực hiện nội dung này, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng xây dựng biểu mẫu thu thập thông tin chủ rừng để thực hiện việc chi trả từ nguồn ERPA qua tài khoản ngân hàng, dịch vụ bưu chính công ích hoặc theo các phương thức không dùng tiền mặt, theo quy định của pháp luật.
Đối với chủ rừng là tổ chức thì giao chủ rừng chủ trì, phối hợp Hạt Kiểm lâm cấp huyện thực hiện rà soát, thống kê diện tích rừng tự nhiên thực tế của mình; cung cấp thông tin gửi về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng. Đối với UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng thì giao UBND xã chủ trì, phối hợp Hạt Kiểm lâm cấp huyện thực hiện rà soát, thống kê diện tích rừng tự nhiên thực tế do xã quản lý; cung cấp thông tin gửi về UBND cấp huyện để tổng hợp gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, giao rừng và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng thì giao Hạt Kiểm lâm cấp huyện chủ trì, phối hợp UBND cấp xã thực hiện rà soát, thống kê diện tích rừng tự nhiên thực tế của từng chủ rừng; thu thập thông tin gửi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Thỏa thuận ERPA được thực hiện đầy đủ chỉ khi Việt Nam ban hành quy định về cơ chế chuyển nhượng kết quả và cơ chế quản lý tài chính. Đến nay, phía Ngân hàng Thế giới (WB) đã chuyển cho Việt Nam 41 triệu USD, số tiền này sẽ được các địa phương bổ sung vào quỹ môi trường rừng chi trả cho những người trực tiếp làm rừng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, từ đó đẩy mạnh hơn ý thức bảo vệ và quản lý rừng bền vững.