Cử tri Nghệ An kiến nghị xem xét bổ sung đối tượng là cán bộ dân số, truyền thông giáo dục sức khỏe, cán bộ ở bộ phận gián tiếp làm việc tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật, các đơn vị y tế cơ sở được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề với mức phụ cấp 100% theo Nghị định 05/2023/NĐ-CP

Chế độ phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập

Ngày 09/8/2023, Bộ Y tế có công văn số 5711/BYT-VPB1 trả lời kiến nghị cử tri, theo đó:

1. Trong thời gian dịch COVID-19, để kịp thời động viên tất cả các đối tượng tham gia phòng chống dịch, Bộ Y tế đã chủ động tham mưu trình Chính phủ quy định chế độ phụ cấp chống dịch tại một số văn bản như sau:

- Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 (thực hiện trong thời gian từ ngày 29/3/2020 đến ngày 08/02/2021); trong đó quy định chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch: (1) Mức 300.000 đồng/người/ngày đối với người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch, người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (2) Mức 200.000 đồng/người/ngày đối với người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; (3) Mức 150.000 đồng/người/ngày đối với người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung; người tham gia cưỡng chế cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly.

- Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 thay thế Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ; trong đó quy định các mức phụ cấp chống dịch: Mức 300.000 đồng/người/ngày, mức 200.000 đồng/người/ngày, mức 150.000 đồng/người/ngày tương ứng với các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch ở mức độ công việc khác nhau.

- Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 quy định chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên, học sinh, sinh viên là 120.000 đồng/người/ngày; chế độ phụ cấp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 miễn phí được 7.500 đồng/mũi tiêm/kíp tiêm chủng.

- Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, điều chỉnh chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị, địa phương có số lượng nhiễm COVID-19 cao các mức 450.000 đồng/người/ngày, 300.000 đồng/người/ngày, 225.000 đồng/người/ngày, 150.000 đồng/người/ngày theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

2. Quá trình xây dựng Nghị định số 05/2023/NĐ-CP

Sau 02 năm phòng, chống dịch COVID-19, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Để góp phần giữ chân và bảo đảm nguồn nhân lực y tế thường xuyên, trực tiếp làm công tác y tế dự phòng đáp ứng nhu cầu chống dịch bệnh, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 về công tác phòng, chống dịch COV1D-19 giai đoạn 2022 - 2023, trong đó đồng ý chủ trương điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%. Đây là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP trong đó quy định mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023; đối tượng hưởng là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40% - 70% quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.

3. Bảo đảm đãi ngộ xứng đáng và cải cách tiền lương đối với cán bộ y tế

Y tế cơ sở và y tế dự phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế nhưng lại là những đơn vị khó khăn nhất của ngành y tế, do đó trong thời gian tới cần có các chính sách phù hợp để thu hút, duy trì cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn thường xuyên, liên tục làm việc trong lĩnh vực này.

Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống lịch COVID-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Quốc hội; trong đó có nhiệm vụ, giải pháp: “Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế về làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng”. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết nêu trên. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét các chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức y tế (trong đó có viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình và các viên chức y tế khác), nhân viên y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội.