Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao lần này là rất sát thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị và tính cấp bách của thực tiễn hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường thời gian qua cũng là một trong những Bộ đã trình được Chính phủ và được Quốc hội thông qua quy hoạch về đất đai - một trong ba quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch.

bo-truong1-1653905271493--n1.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Liên quan đến quy hoạch tích hợp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, xét theo kinh nghiệm thế giới và lý luận, thực tiễn thì việc đưa ra một quy hoạch kể cả cấp tỉnh, cấp quốc gia có khả năng tích hợp trong một quy hoạch là rất khó khăn về mặt kỹ thuật. Với vai trò là một Bộ cung cấp toàn bộ dữ liệu, thông tin về địa lý quốc gia, làm cơ sở nền tảng cho việc tích hợp các quy hoạch, Bộ trưởng cho biết đến nay cũng chưa thể thực hiện được.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong quá trình chuẩn bị, trên cơ sở thực tiễn, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có quan điểm rằng, quy hoạch sử dụng đất đai và một số quy hoạch khác thực tế đều là các quy hoạch tích hợp. Tất nhiên, tích hợp phải có sự lựa chọn để đưa được các nội hàm quy hoạch một cách hợp lý. Đơn cử như quy hoạch đất đai có phần về các nội hàm mang tính chất "cứng", có những phần hoàn toàn chỉ mang tính chất chỉ tiêu. Hay nói cách khác, trong quy hoạch có phần ổn định và có phần có thể thay đổi, tức là có phần “tĩnh” và có phần “động”. “Tĩnh” là những vấn đề mang tính chất bảo tồn, giữ các di sản thiên nhiên hoặc những dự án có thể khẳng định là có giá trị lâu dài và mang tính bền vững. Ngoài ra là phần “động”. Khi đưa vào “động” nghĩa là vừa bảo đảm yếu tố định hướng xã hội chủ nghĩa, mặt khác là phải theo cơ chế thị trường. Nếu đưa tất cả mục tiêu và các dự án phát triển lên một quy hoạch tích hợp, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, là đang đi ngược lại với việc bảo đảm tính sáng tạo, phát triển của các vùng, địa phương và doanh nghiệp thể hiện qua các quy hoạch ngành.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho rằng nếu không làm tốt công tác quy hoạch thì đến một thời điểm việc điều chỉnh quy hoạch cấp dưới so với quy hoạch cấp trên sẽ là vấn đề hết sức khó khăn, Bộ trưởng nhấn mạnh, khi đã đầu tư thì phải xét đến vấn đề sau này ai sẽ chịu trách nhiệm và đền bù các dự án đã được triển khai ở quy hoạch dưới? Đây là một vấn đề đúng về nguyên tắc nhưng về thực tiễn thì phải xác định và xem xét. Quy hoạch phải có tiếp cận theo hướng đồng thời nhưng phải có sự phối hợp lên - xuống. Không phải hướng đến một quy hoạch tích hợp là cả nước chỉ có một quy hoạch. Mỗi ngành, mỗi cấp đều có thể có quy hoạch và đó là phát huy tính sáng tạo nhưng trong hệ thống đó cần đưa ra những quy định để bảo đảm từ khâu xây dựng có sự phối hợp “2 lên 1 xuống”, trong quá trình điều chỉnh có trước có sau và làm rõ cấp nào xây dựng quy hoạch thì cấp đó mới điều chỉnh.

bt-hong-ha1-1653905336459.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Khánh

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Quốc hội thời gian tới cần ban hành Nghị quyết tập trung giải quyết một số vấn đề hết sức khó khăn, vướng mắc hiện nay về quy hoạch đang kìm hãm sự phát triển. Đồng thời cần tập trung nghiên cứu một bộ luật xác định tên, nội hàm, nội dung và phạm vi rõ hơn về quy hoạch.

Minh Trang