Chỉ còn 10 ngày nữa, Chính phủ triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương khóa 12. Vậy đến nay, công tác chuẩn bị cho việc này được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng? 

Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong khu vực công mà còn liên quan đến hơn 50 triệu người đang hưởng các chính sách gắn với mức lương cơ sở.

Vì vậy, cần phải nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng, thấu đáo, toàn diện để đảm bảo lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã làm việc rất quyết liệt, công phu, thận trọng, chắc chắn, đồng bộ và xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, mọi mặt về triển khai cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW và các Nghị quyết của Đảng liên quan; đã tổ chức 21 cuộc họp thảo luận sâu sắc về các nội dung cải cách tiền lương để đưa ra phương án tối ưu nhất, khả thi và hiệu quả cao nhất. 

Từ đó, phải bảo đảm tương quan cân đối, hài hòa công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; bảo đảm các chính sách an sinh xã hội cho Nhân dân trong quá trình phát triển.

Những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn, phức tạp tình hình.

Đồng thời, cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chính sách phụ cấp, trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 19/6/2024, Chính phủ báo cáo Quốc hội một số giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo “lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, chắc chắn; bảo đảm khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước”.

Bộ trưởng có thể nói rõ hơn những đề xuất của Chính phủ là gì? Nhất là hiện nay, hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khu vực công muốn biết chính sách tiền lương từ ngày 1/7 tới đây thay đổi như thế nào?

Chính phủ đề xuất thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27. Đây là những nội dung đã rõ, đủ điều kiện thực hiện như việc hoàn thiện chế độ nâng lương cho phù hợp với việc chuyển đổi quản lý và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản); hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; quy định rõ nguồn kinh phí để thực hiện chế độ tiền lương.

Còn 2 nội dung thực hiện từng bước theo lộ trình gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp 9 chế độ phụ cấp mới.

Đây là những nội dung có phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dần, thận trọng, không nóng vội. Những vấn đề này phải rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, điều chỉnh một số vấn đề liên quan về nguyên tắc xây dựng từng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức và các bảng lương của lực lượng vũ trang để bảo đảm tương quan cân đối, hợp lý, công bằng giữa các đối tượng (không để tình trạng khi ban hành bảng lương mới thì có những đối tượng được tăng cao trên 30%, nhiều đối đối tượng được tăng ít và nhiều đối tượng sẽ không được tăng, thậm chí còn giảm đi so với lương hiện hưởng) hoặc nghiên cứu, bãi bỏ các quy định liên quan đến mức lương cơ sở trong các văn bản của Đảng, nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước cho phù hợp; đồng thời tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm trong từng cơ quan, đơn vị của hệ thống chính trị…

 

Do đó, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương, Bộ Chính trị thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể là từ ngày 1/7, chúng ta đồng bộ thực hiện tăng 30%  mức lương cơ sở sở (từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng) cho tất cả các đối tượng hưởng lương và đối tượng hưởng các chính sách gắn với lương cơ sở từ ngân sách nhà nước. 

Mặc dù chúng ta chưa thực hiện trả lương theo VTVL và chức danh, chức vụ lãnh đạo nhưng đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 27 tăng lương cho cán bộ, công chức (đến năm 2025 lương thấp nhất trong khu vực công cao hơn mức lương thấp nhất của khu vực doanh nghiêp); nội dung điều chỉnh mức lương cơ sở của khu vực công (khi chưa thực hiện bảng lương mới) cũng là nội dung của cải cách tiền lương nêu tại Nghị quyết 27, mức tăng này cũng tương ứng với mức tăng khi thực hiện cải cách tiền lương.

Theo tính toán của Bộ Tài chính khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27 thì mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức là 30,6%.

Ngoài ra, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành. Đồng thời giao nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện vừa qua có phát sinh bất hợp lý.

Vậy còn với các đơn vị đang hưởng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù thì chính sách tiền lương tới đây được tính toán như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Việc này Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang được thực hiện cho phù hợp.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ, từ ngày 1/7/2024, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng của các đơn vị này tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Liệu các giải pháp này có đáp ứng được các nguyên tắc và mục tiêu mà Nghị quyết 27 đặt ra?

Phải nói rằng đây là những giải pháp khả thi nhất, tốt nhất trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới).

Mặt ưu điểm của phương án này là tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, tạo hiệu ứng tốt và rất lớn trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là các đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Cụ thể, các đối tượng hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức đạt được mục tiêu là cải cách tiền lương thì phải được tăng lương và phù hợp với yêu cầu của Đảng cũng như các quy định của pháp luật có liên quan.

Việc này sẽ bảo đảm được tương quan cân đối hài hòa, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và chính sách liên quan đến mức lương cơ sở , tạo được sự thống nhất đồng thuận chung trong xã hội.

Có thể nói, việc điều chỉnh mức lương cơ sở lên 30% (1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng) là mức tăng cao nhất từ khi thành lập nước đến nay; góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách gắn với lương cơ sở; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; đóng góp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, việc giữ nguyên phụ cấp như hiện nay cũng là để đảm bảo quyền lợi cho công chức, viên chức, người lao động; đặc biệt là với giáo viên và một số ít ngành  đang hưởng phụ cấp thâm niên nghề và một số phụ cấp đặc thù khác thì vẫn tiếp tục được hưởng như quy định hiện hành. 

Đây là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong việc triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương để góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Việc này còn tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Đây là những nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như Bộ Nội vụ trong việc triển khai Nghị quyết 27 của Trung ương để góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở.

Việc này còn tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Việc tăng lương cơ sở cũng giúp cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp; đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội; góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội.

Với phương án tăng 30% lương cơ sở và bổ sung tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản là một vấn đề tác động rất lớn đến nguồn lực tài chính quốc gia, vậy bài toán tài chính mà Chính phủ giải quyết như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Phương án này cũng bảo đảm khả năng chi trả của ngân sách nhà nước giai đoạn 2024 – 2026. 

Theo tính toán của Bộ Tài chính thì tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 phải tăng thêm là 913,3 ngàn tỷ đồng.

Đây là nguồn kinh phí tăng thêm rất lớn vì vậy trong những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để tích lũy tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương, tính đến 2023 đã tiết kiệm được 680 ngàn tỷ để tăng lương và sẽ tiếp tục có giải pháp tăng thu, tiết kiệm chi cùng những biện pháp hữu hiệu, khả thi để bảo đảm đủ nguồn thực hiện.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đánh giá một số nội dung của Nghị quyết số 27 (nhất là việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới) bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, tổng thể phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và nguồn lực của đất nước và sẽ tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương khi đủ điều kiện, được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp tham mưu tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở; phối hợp trình  cấp có thẩm quyền danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và tập trung cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Có thể nói, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền thống nhất thực hiện Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi để mọi đối tượng được hưởng lương từ NSNN đều được tăng lương một cách công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định, là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, được cả hệ thống chính trị và cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và đối tượng liên quan đồng tình, đồng thuận.

Vấn đề đặt ra là Chính phủ và cả hệ thống chính trị phải triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 93 ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nhằm thiết thực góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương và phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.

Báo VietNamNet trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Ảnh: Hoàng Hà - Thạch Thảo

Thiết kế: Minh Hòa