2.jpg

Trang Thông tin điện tử đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An xin trích đăng bài nói chuyện của Bộ trưởng Lê Minh Hoan với cán bộ chủ chốt ngành NN&PTNT Nghệ An tại buổi làm việc.

Tôi hay dùng ngôn ngữ của người nông dân khi gặp nông dân để nói cho bà con dễ hiểu. Bà con đề nghị Bộ trưởng làm sao để xây dựng thương hiệu nông sản. Tôi hỏi: Theo bà con, thương hiệu là gì? Nói đơn giản, thương hiệu là hiệu để người ta thương, mà một khi đã thương rồi thì sẽ mua với giá cao. Còn nếu chúng ta làm một cái gì mà người ta không biết, người ta không thương, không đến, không tin, không yêu, không trân quý thì chúng ta chỉ bán được với giá thấp. Với thương hiệu, đơn giản là vậy, là sản phẩm được làm ra từ sự tử tế, đàng hoàng.

dai-bieu-2.jpg
Các đại biểu tham dự buổi làm việc

Một phương diện khác, phát triển bền vững cần dựa trên trụ cột: môi trường và công bằng xã hội. Chúng ta làm cái gì thì cũng phải để lại môi trường, tài nguyên, dinh dưỡng cho thế hệ mai sau; đừng lấy hết tất cả của thiên nhiên rồi thế hệ sau chúng ta sẽ trả giá. Thực ra các chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân nông thôn là trả lời các câu hỏi từ cuộc sống. Nếu chúng ta không trả lời được những câu hỏi cuộc sống thì mọi chiến lược đó đều không thành công. Những câu hỏi đó xuất phát từ những người nông dân, từ doanh nghiệp. Và tri thức xuất phát từ những câu hỏi.

Đồng Tháp với Nghệ An dường như có một mối quan hệ nào đó là ngẫu nhiên lịch sử. Khi tôi đi khỏi Đồng Tháp, tôi để lại một giấc mơ sen và tôi hy vọng hôm nay chúng ta tiếp tục có một giấc mơ Sen ở xứ Nghệ. Tại sao nói là giấc mơ? Cuối cùng của chiến lược phát triển có lẽ cũng là nói về một giấc mơ. Người ta nói rằng: tố chất của lãnh đạo là phải biết ước mơ. Một ngày nào đó chúng ta không còn ước mơ nữa nghĩa là chúng ta không còn lãnh đạo, không còn dẫn dắt được những người đi theo chúng ta nữa. Một trong những yếu tố thành công của người lãnh đạo là phải ước mơ, phải có những giấc mơ, phải có trí tưởng tượng để thôi thúc, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, quần chúng có động lực biến những giấc mơ đó thành hiện thực.

bna-bt1-5739.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc

Làm việc phải có động cơ, động lực. Người ta nói chúng ta làm việc động lực bên ngoài nhiều hơn động lực bên trong. Động lực bên trong tức là sự thôi thúc từ trong mình, mình nghĩ mình phải cần làm, phải nên làm, tự giác và không ai kiểm soát. Động lực bên ngoài là có người kiểm soát, có người đánh giá. Cần biến công việc thành niềm vui và biết tìm niềm vui từ trong công việc. Niềm vui thì mình phải biết cái giá trị của việc đó. Làm việc mình phải đem lại giá trị gì? Tại sao làm sản phẩm OCOP? Tại sao hợp tác xã? Tại sao khởi nghiệp? tại sao có du lịch cộng đồng? mang lại giá trị gì cho người nông dân. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh như thế nào chúng ta cũng luôn cần chủ động, nỗ lực để hỗ trợ người nông dân, nhân dân. Đấy là động lực bên trong, tức làm vì người nông dân, làm vì bà con của mình; như vậy mới có niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực.

Đất đai ngày càng hạn hẹp, vậy thì 5 năm nữa ngành Nông nghiệp tăng trưởng dựa vào cái gì? Phải tăng trưởng dựa trên nâng cao giá trị, thông qua chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị, tạo ra chuỗi giá trị gấp 5, gấp 10 lần. Cần phấn đấu tạo ra được nhiều nông sản vừa là thực phẩm, vừa là mỹ phẩm và vừa là dược phẩm cần thiết cho mỗi một con người.

4-1.jpg

Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy bán hàng. Muốn thành công thì phải bán chính bản thân mình thông qua những cảm xúc, tâm huyết, niềm tin, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và thương hiệu phải được xây dựng từ nhân hiệu. Tư duy kinh tế là kích hoạt thị trường. Trong kinh tế nông nghiệp, phải tính toán, giải quyết được các yếu tố về chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ, giá trị tăng thêm, xây dựng chuỗi ngành hàng và kết nối cung - cầu thì mới thành công. Tư duy kinh tế là tư duy bán hàng, là bài toán trừ giữa giá bán và chi phí bỏ ra, là nghĩ cho người mua chứ không phải nghĩ cho người bán. Ngành nông nghiệp của Nghệ An cần truyền đi thông điệp sản xuất nông nghiệp nhân văn, bền vững, cùng tạo ra giá trị và thụ hưởng giá trị. Bán sản phẩm OCOP là bán giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Bán niềm tin cho người tiêu dùng, bán sự trải nghiệm cho khách hàng, cái trải nghiệm đó là vô giá. Ngoài thị trường trong tỉnh, cần quan tâm tới thị trường trên dưới 2 triệu người Nghệ trong nước và cả nước ngoài, trong đó tập trung nhiều nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Các sản phẩm từ Nông nghiệp của Nghệ An, bên cạnh đảm bảo cao về chất lượng, mẫu mã, một điều rất cần thiết là phải đánh thức được miền ký ức, sự hoài niệm về quê nhà trong tâm hồn mỗi người Nghệ xa quê. Có lẽ đó là một lợi thế lớn của Nghệ An mà ít tỉnh nào trong cả nước có được.

Ban biên tập