Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần thay đổi tiếp cận an ninh lương thực không chỉ là lúa, gạo mà còn là các sản phẩm ngũ cốc, rau, củ, quả…
Chiều 15/8, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.
Chủ trì điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội: Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương, Nguyễn Đức Hải. Tham dự phiên chất vấn trực tiếp tại Nhà Quốc hội có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các Bộ trưởng.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An do đồng chí Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì. Tham dự phiên họp trực tuyến có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội; lãnh đạo các ban HĐND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Chất vấn 3 nhóm vấn đề
Trên cơ sở điều hành phiên chất vấn của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đã có 26 đại biểu chất vấn và 3 đại biểu tranh luận liên quan đến 3 nhóm vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay.
Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và được Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời liên quan đến thực hiện liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc liên kết theo chuỗi trong sản xuất nông nghiệp là chiến lược của ngành nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp. Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao chất lượng của nông sản và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường. Do đó, hợp tác giữa sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết.
Mặc dù vậy, nhiệm vụ này còn chậm, chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững. Để thúc đẩy và nâng cao tính bền vững các chuỗi liên kết, thời gian tới, Bộ cùng với các địa phương xây dựng những mô hình chuỗi đồng bộ và hoàn thiện hơn; đồng thời, cùng với các viện, trường, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tác động chuỗi phát triển bền vững hơn.
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về quy hoạch, sử dụng đất lúa, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai và ở các địa phương cũng đều ổn định diện tích đất lúa và trong quy hoạch tỉnh đều xác định rõ phân khu vực dành cho đất nông nghiệp. Trên cơ sở Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết Chính phủ với yêu cầu sử dụng linh hoạt 5 triệu héc-ta lúa trong phạm cả nước; cho nên, Bộ sẽ song hành cùng các địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, cố gắng giữ gìn quỹ đất lúa, cân nhắc khi chuyển đổi đất trồng lúa.
Về vấn đề an ninh lương thực, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp cận ở phạm trù rộng theo hướng an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng; nghĩa là không chỉ là lúa, gạo mà còn là các sản phẩm ngũ cốc, rau, củ, quả…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về giải pháp nâng cao thu nhập của người nông dân; về xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; về xử lý mâu thuẫn là nước sản xuất muối nhưng vừa nhập khẩu muối hay xác định sản xuất điều xuất khẩu, nhưng giá trị sản phẩm điều và thu nhập của người trồng điều thấp.
Đó còn là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản…
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã trả lời nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến giải pháp xuất khẩu nông, thủy sản.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận các đại biểu Quốc hội từ kinh nghiệm hoạt động của mình đã chuẩn bị kỹ các câu hỏi có chất lượng, phản ánh sát thực tế và đời sống, nguyện vọng của cử tri; thực hiện đầy đủ các quy định về cách thức chất vấn, trao đổi, tranh luận, đảm bảo đúng thời gian quy định.
Các Bộ trưởng và trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn với tinh thần trách nhiệm cao, nắm chắc thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đã giải trình làm rõ thực trạng và đề xuất được nhiều giải pháp đối với các vấn đề chất vấn.
Đánh giá một số kết quả nổi bật thời gian qua, đồng thời nêu rõ một số hạn chế, tồn tại đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ và các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp, cam kết tại phiên chất vấn này, nhằm kịp thời giải quyết các tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bức xúc trong xã hội; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với các giải pháp mà các Bộ trưởng đã cam kết, với quyết tâm cao của tập thể Chính phủ, sự đồng hành của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp sẽ có nhiều chuyển biến rõ nét, vươn lên tầm cao mới, đi vào thực chất hơn; ngành Nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục là “bệ đỡ” vững chắc của nền kinh tế, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu.