Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận tại tổ hôm 10/6 là quy định cấm tuyệt đối với người “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận, hầu hết đại biểu nhất trí sự cần thiết ban hành luật với 100 ý kiến ủng hộ. Bên cạnh đó, có 5 ý kiến băn khoăn về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng do vi phạm nồng độ cồn
Báo cáo về dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, việc xây dựng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc này là bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông, xác định cụ thể cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phát triển, quản lý hạ tầng giao thông…
Về các hành vi bị nghiêm cấm, nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối với người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. 10 ý kiến thể hiện quan điểm này cho rằng cần có báo cáo đánh giá, tổng kết, cơ sở khoa học đề đưa ra mức giới hạn thấp nhất.
Giải trình nội dung này, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, quy định cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm bảo đảm sức khỏe người tham gia giao thông, tránh lạm dụng rượu, bia, bảo vệ giống nòi, hạn chế tai nạn giao thông.
Nội dung này cũng thống nhất với quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (khoản 6 Điều 5 quy định điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm).
Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, người điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện vi phạm về nồng độ cồn.
Sau thời gian thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể.
Với ý kiến đề nghị điều chỉnh theo hướng quy định mức tỷ lệ nồng độ cồn cụ thể được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm yêu cầu thực tiễn, có căn cứ khoa học và bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho biết, Chính phủ đã tiếp thu và bổ sung hành vi cấm đối với việc điều khiển, sử dụng thiết bị bay không người lái trên mặt đường, trong phạm vi bảo vệ trên không, hành lang an toàn đường bộ mà pháp luật cấm điều khiển, sử dụng.
Siết chặt cơ chế giám sát các điều kiện sức khỏe người lái xe
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định điều kiện sức khoẻ của người lái xe đảm bảo chặt chẽ, khả thi; nghiên cứu quy định người khuyết tật được điều khiển loại phương tiện phù hợp với tình trạng khuyết tật của họ để bảo đảm quyền của người yếu thế.
Một số ý kiến nêu thực tiễn vừa qua công tác đào tạo lái xe nhiều nơi không đảm bảo chất lượng. Vì vậy cần quy định quản lý chặt chẽ hơn, cần tiếp tục xã hội hoá mạnh mẽ đào tạo lái xe và siết chặt sát hạch nhằm nâng cao chất lượng người lái xe theo hướng nghiên cứu trong thành phần hội đồng sát hạch có Bộ Công an, Bộ GTVT, một số bộ liên quan để cùng giám sát.
Giải trình nội dung về điều kiện sức khỏe của người lái xe, Bộ trưởng Công an thông tin, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan quy định đảm bảo chặt chẽ và có tính khả thi theo hướng siết chặt cơ chế giám sát những điều kiện sức khỏe người lái xe.
Về loại phương tiện dành cho người khuyết tật, hiện tại Thông tư về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của Bộ GTVT đã có nội dung này.
Về cơ chế giám sát sát hạch lái xe và thành phần hội đồng sát hạch lái xe, cơ quan soạn thảo sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đảm bảo sự phù hợp, tính khả thi và hiệu quả.