Sáng nay (16/3), tại hội trường Diên Hồng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ Công Thương về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3. Ảnh: daibieunhandan.vnTại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng dự có các đại biểu Quốc hội công tác tại Nghệ An.
Dự phiên chất vấn tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Nam Đình - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh;…
Toàn cảnh phiên chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành DuyTheo đó, Việt Nam hiện nay có 2 Nhà máy lọc dầu: Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) với công suất thiết kế 6,5 triệu tấn dầu thô/năm và Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn với công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm.
Hai nhà máy này cung cấp khoảng 70-75% nhu cầu xăng, dầu trong nước (trong đó nguồn từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chiếm 35-40%, nguồn từ Nhà máy lọc dầu Bình Sơn chiếm khoảng 35%). Ngoài ra, còn có một số Nhà máy chế biến condensate (sản xuất xăng và dung môi).
Hiện nay, cả nước có 36 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có chức năng nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 3 doanh nghiệp chỉ chuyên kinh doanh nhiên liệu hàng không).
Dự kiến năm 2022, nhu cầu nhập khẩu xăng dầu các loại khoảng 7,4 triệu m3 (gồm khoảng 5 triệu m3 phân giao đầu năm 2022 và 2,4 triệu m3 giao bổ sung cuối tháng 2/2022). Lũy kế 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng 1,4 triệu m3 xăng dầu các loại.
Tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước theo kế hoạch năm 2022 là 20,7 triệu m3, trong đó sản xuất trong nước khoảng 14,418 triệu m3, nhập khẩu khoảng 6,282 triệu m3.
Bộ trưởng Bộ Công Thương trả lời chất vấn. Ảnh: vov.vnTrả lời câu hỏi của đại biểu về bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thời gian qua, giá xăng dầu thế giới tăng đột biến với biên độ từ 40 - 60%.
Trong bối cảnh ấy, trong nước gặp khó khăn do nguồn cung từ liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung ứng từ 35 - 40 % sản phẩm xăng dầu trong nước bị giảm đột ngột, có lúc công suất giảm xuống có lúc chỉ còn 55% và thường xuyên chỉ ở vận hành ở mức 70-80% công suất.
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp chỉ đạo nhập khẩu đủ sản lượng để bù vào thiếu hụt.
Cụ thể, đến giữa tháng 2 thì cả nước vẫn còn trữ lượng 3 triệu m3 xăng dầu; trong khi sản lượng xăng dầu tiêu thụ bình quân hàng tháng ở nước ta là 1,8 đến 1,9 triệu m3.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong thời gian tới, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Bộ tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu trong tháng 3, với sản lượng 1 triệu m3 trở lên, tăng gấp đôi so với bình thường.
Đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành DuyVề điều hành giá xăng dầu, người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết: Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều hành theo đúng quy định của pháp luật, linh hoạt, phù hợp với chu kỳ 10 ngày/lần và bám sát giá thế giới. Giá xăng dầu thế giới đã tăng 40-46% so với năm 2021, nhưng trong nước mới tăng 29%, thấp hơn so với thế giới.
Trước diễn biến giá xăng dầu tăng cao, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan đã tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội giảm thuế môi trường, qua đó giảm giá xăng dầu, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành DuyNgười đứng đầu Bộ Công Thương cũng cho biết, vừa qua việc thiếu nguồn cung diễn ra cục bộ, do những cửa hàng kinh doanh xăng dầu lấy hàng từ Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn thuộc Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhưng nhà máy giảm công suất đột ngột.
Trong bối cảnh đó, Bộ đã yêu cầu các đầu mối chia sẻ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu xăng dầu như giao chỉ tiêu nhập khẩu xăng dầu tăng thêm cho các đầu mối nhập khẩu và các chỉ tiêu này được công khai. Nếu doanh nghiệp nào không công khai lượng nhập, lượng xuất sẽ vi phạm và bị xử lý.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành Quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở hầu hết các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Theo đó, cả nước ta hiện có khoảng 17.000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu và đã tiến hành kiểm tra được khoảng 16.800 cửa hàng.
Các đại biểu dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành DuyBộ Công Thương cũng đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu xăng dầu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Tinh thần là nếu phát hiện thấy những doanh nghiệp đầu mối nào không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình theo quy định thì dứt khoát sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, và hình thức cao nhất là đình chỉ kinh doanh và rút giấy phép.