Việc ngân sách địa phương thực hiện hỗ trợ kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm từ nguồn chi thường xuyên địa phương là rất cần thiết để đảm bảo hoạt động của các cơ quan đơn vị và đời sống của người dân. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định "Kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn". Theo đó, nguồn kinh phí để xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công phải được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, rà soát, sửa đổi Thông tư số 65/2021/TT-BTC theo hướng phù hợp với thực tế, đảm bảo tính kịp thời, linh hoạt và tính chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước để đảm bảo ổn định tình hình chính trị - xã hội của địa phương.
Ngày 09/8/2022, Bộ Tài chính đã có Văn bản số 7901/BTC-HCSN trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó, khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định:
“Điều 6. Phân loại dự án đầu tư công:
1. Căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công được phân loại như sau:
a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đâu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án”
Trên cơ sở quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công thay thế cho Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017. Trong đó, tại điểm a, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định: Kính phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.
Qua theo dõi, Bộ Tài chính cũng nhận được một số ý kiến từ các cơ quan, đơn vị, địa phương đề nghị xử lý vướng mắc này để các cơ quan, đơn vị, địa phương có căn cứ bố trí, sử dụng ngân sách thực hiện hỗ trợ kinh phí xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm từ nguồn chi thường xuyên.
Tuy nhiên để thực hiện được việc này thì cần báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan của Luật Đầu tư công và xem xét, quyết định cho phép sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các dự án xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công. Sau khi có phê duyệt của Quốc hội, Bộ Tài chính sẽ kịp thời tiếp thu, hoàn chỉnh các quy định có liên quan để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong điều hành chi ngân sách nhà nước./.
Thu Nguyễn